Đắng lòng tranh chấp tài sản thừa kế giữa dì và cháu ruột ở Hải Dương

Ông bà ngoại qua đời không để lại di chúc về thừa kế tài sản. Giữa các dì và cháu trai ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã nảy sinh tranh chấp đất đai đến mức phải cưỡng chế thi hành án.

Đắng lòng tranh chấp tài sản thừa kế giữa dì và cháu ruột ở Hải Dương

Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh thông báo quyết định cưỡng chế vụ việc tranh chấp thừa kế tài sản ở huyện Tứ Kỳ vào ngày 13/6

Phức tạp

Ngày 13/6, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương tổ chức cưỡng chế thi hành án về việc tranh chấp thừa kế tài sản, yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện Tứ Kỳ theo các bản án dân sự của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương tháng 8/2022 và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội vào tháng 3/2023.

Theo nội dung trong bản án, cụ Phạm Văn A. ở huyện Tứ Kỳ có 3 người vợ với tất cả 5 người con.

Khi còn sống, cụ A. cùng vợ, các con, cháu đều ở trên phần diện tích hơn 2.000 m2 gồm đất ở, đất ao và vườn tại huyện Tứ Kỳ. Sau này, qua nhiều biến động, thay đổi trong gia đình, thửa đất trên do vợ chồng anh T. là cháu ngoại cụ A. sử dụng.

Đến năm 1980, anh T. đã tự ý kê khai đứng tên chủ sử dụng đất. Năm 2000, UBND huyện Tứ Kỳ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích hơn 2.000 m2 cho anh này.

Mâu thuẫn xảy ra khi bà C. là con cụ A. (bà C và mẹ anh T. là chị em cùng cha khác mẹ) kiện cháu trai ra tòa yêu cầu chia tài sản thừa kế, đồng thời yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Tứ Kỳ đã cấp trước đó.

Anh T. cho rằng từ thời điểm gia đình anh ở trên đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng không ai có ý kiến và tranh chấp, xác định đất thuộc về quyển sử dụng hợp pháp của vợ chồng anh.

Theo quyết định của các bản án, vợ chồng anh T. được hưởng phần di sản của mẹ ruột (đã mất) từ di sản thừa kế ông bà ngoại, cậu (đã mất, là con của cụ A. và người vợ thứ 2), 2 người chị gái tặng lại phần di sản (của mẹ ruột) và công trong việc quản lý, bảo vệ di sản với tổng diện tích 1.062,7m2 đất.

Còn bà C. và 1 người dì khác đòi quyền thừa kế được hưởng các phần di sản thừa kế theo quy định với tổng diện tích đất ao và vườn hơn 980 m2. Vợ chồng anh T. có nghĩa vụ trả tiền chênh lệch giá trị tài sản cho 2 dì.

Cưỡng chế thi hành án

Các lực lượng tham gia thực hiện cưỡng chế

Các lực lượng tham gia thực hiện cưỡng chế

Theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, mọi cố gắng, động viên, thuyết phục để các bên phải thi hành án đều không đạt kết quả. Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, ngày 22/5/2024, chấp hành viên đã ban hành thông báo cưỡng chế thi hành án. Thời gian tổ chức cưỡng chế ngày 13/6.

Vụ việc cưỡng chế về tranh chấp thừa kế tài sản trên đã phải huy động hơn 100 người tham gia từ nhiều lực lượng. Trong quá trình tổ chức cưỡng chế, người phải thi hành liên tục có lời nói, hành vi bất hợp tác như vứt dây điện xuống ao để cản trở lực lượng thi hành án. Cơ quan thi hành án tỉnh đã yêu cầu Điện lực huyện Tứ Kỳ cắt điện đối với hộ phải thi hành án. Thời gian cưỡng chế diễn ra trong 1 ngày với nhiều phần việc như bơm nước ao, bắt cá để xử lý theo quy định; xác định vị trí, diện tích, hiện trạng theo quyết định của bản án và giao diện tích đất ao cho người được thi hành án.

Do làm tốt công tác phối hợp, chuẩn bị phương án xử lý các tình huống phát sinh nên quá trình tổ chức cưỡng chế được thực hiện nghiêm, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, những năm gần đây các vụ việc tranh chấp về tài sản thừa kế trong các gia đình ở Hải Dương có chiều hướng tăng, phức tạp. Người dân cần chủ động tìm hiểu, thực hiện việc phân chia tài sản, quyền thừa kế tài sản theo các quy định của pháp luật, tránh vì tiền, vì đất mà… mất tình thân.

NGHĨA AN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/dang-long-tranh-chap-tai-san-thua-ke-giua-di-va-chau-ruot-o-hai-duong-384696.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *