Cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khai cầm 2,25 triệu USD nhưng không ‘yêu cầu, đòi hỏi’ Việt Á chi tiền.
Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt khai mỗi lần hối lộ quan chức đều đổi từ tiền Việt sang tiền đô và đi máy bay mang từ TP.HCM ra Hà Nội. Cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thì khai cầm 2,25 triệu USD nhưng không “yêu cầu, đòi hỏi” Việt Á chi tiền.
Sáng 3-1, TAND TP Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm xét xử 38 bị cáo trong đại án Việt Á. Trong đó có ba cựu ủy viên Trung ương Đảng gồm: cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh (sai phạm khi làm bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) và cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
Ông chủ Việt Á mang tiền đô đi hối lộ ra sao?
Ông Nguyễn Thanh Long bị xét xử về tội “nhận hối lộ”, ông Chu Ngọc Anh bị xét xử về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Ông Phạm Xuân Thăng bị cáo buộc có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo Phan Quốc Việt và cấp phó Vũ Đình Hiệp bị xét xử về hai tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa hối lộ”. Đây là vụ án thứ hai ông Việt bị xét xử. 33 người còn lại, trong đó có cựu trợ lý của nguyên phó thủ tướng, nhiều cựu cán bộ Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, sở y tế và CDC một số địa phương, bị đưa ra xét xử với năm tội danh.
- Vụ Việt Á: Một bị cáo xin xử vắng mặt, hai cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh có mặt
- Hình ảnh đầu tiên của các bị cáo trong đại án Việt Á
Phan Quốc Việt bị cáo buộc có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án. Cách thức chung của Việt Á trong hành trình “chen chân” vào tham gia đề tài nghiên cứu của Nhà nước rồi móc ngoặc bán kit xét nghiệm cho các địa phương từ Bắc tới Nam là dùng tiền hoặc rất nhiều tiền chi “lót tay” cho một số quan chức để được giúp đỡ thông thầu, trúng thầu.
Chỉ tính riêng khoản hối lộ, Việt bị cáo buộc đã chi cho các cựu quan chức số tiền “lót tay” lên tới hơn 106 tỉ đồng. Cơ quan truy tố cáo buộc từ việc nâng khống giá bán kit xét nghiệm, Việt Á thu lời bất chính 1.235 tỉ đồng.
Trong phiên tòa, nhiều câu chủ tọa hỏi Việt trả lời “không nhớ” vì mang tiền đi cảm ơn quá nhiều lần. Mỗi lần trả lời không nhớ, Việt lại cười xòa thành tiếng. Một từ mà tổng giám đốc Việt Á dùng để trả lời xuyên suốt các câu hỏi về mục đích đưa tiền hối lộ các cựu quan chức là vì “muốn chia sẻ”, vì “cảm kích” sự giúp đỡ của những người này trong hành trình nghiên cứu, cấp phép và bán kit xét nghiệm.
Theo lời khai của Việt, người đầu tiên ông chủ Việt Á chi tiền “lót tay” là cựu vụ phó Bộ Khoa học và Công nghệ Trịnh Thanh Hùng với tổng số tiền 350.000 USD. Việc chi tiền này là do ông Hùng “có công” tác động Bộ Y tế trong quá trình kit xét nghiệm Việt Á được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Về mối quan hệ với cựu thư ký của bộ trưởng Bộ Y tế, Việt khai “bị cáo chơi với anh Nguyễn Huỳnh rất thân, gần như là anh em”. Do đó Huỳnh chia sẻ với Việt “một số vấn đề tài chính” để ông Long giải quyết công việc. Việt khai không nhớ chính xác, chỉ nhớ tổng số tiền đã đưa cho Huỳnh để chuyển cho ông Long là hơn 2 triệu USD và 4 tỉ.
Tương tự với số tiền 27 tỉ hối lộ cựu giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến, số tiền 200.000 USD “cảm ơn” ông Nguyễn Văn Trịnh (cựu trợ lý nguyên phó thủ tướng Vũ Đức Đam), Việt đều khai chi tiền vì muốn “chia sẻ lợi ích trên tinh thần Á Đông” bởi những người này “đã vất vả, tận tâm, chu đáo”.
Về nguồn gốc số tiền mang đi hối lộ, Việt khai phải vay mượn bạn bè vì khi đó bán kit xét nghiệm chưa được thanh toán, chưa có nguồn thu.
“Bị cáo mượn bạn bè tiền Việt rồi mang đổi ra tiền đô. Hầu hết tiền được mang từ Sài Gòn ra Hà Nội bằng cách đi máy bay. Ngày đó máy bay vẫn được đi, chỉ hiếm thôi, nhưng bị cáo không bao giờ đi bằng đường bộ”, Việt khai đến đây rồi lại cười!
Nguyễn Thanh Long nói công tâm nhưng sao nhận tiền của Việt Á?
Khi được tòa thẩm vấn, cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhiều lần nói “tôi sai, tôi xin lỗi” vì có hành vi nhận 2,25 triệu USD từ Việt Á. Tuy nhiên, ông Long phủ nhận việc gợi ý đòi hỏi tổng giám đốc Việt Á đưa tiền.
Ông Long nhắc lại bối cảnh xảy ra vụ án, khi ấy tình hình dịch COVID-19 rất cấp bách, đòi hỏi đặt ra là phải có một sản phẩm về kit xét nghiệm để phục vụ phòng chống dịch. Khoảng tháng 2-2020, ông Long mới chuyển công tác từ Ban Tuyên giáo Trung ương về Bộ Y tế.
Theo lời khai của ông, trước thời điểm cấp phép hai ngày, ông mới biết đến kit xét nghiệm của Việt Á. Thời điểm đó thư ký Nguyễn Huỳnh có nhờ ông Long nói với một số đơn vị liên quan tại Bộ Y tế để thúc đẩy quá trình cấp phép cho kit xét nghiệm của Việt Á, nhưng ông Long từ chối “không muốn dính vào vì rất phức tạp”.
Ở giai đoạn cấp phép chính thức, ông Long thừa nhận có việc đôn đốc nhưng “là đôn đốc chung chứ không chỉ riêng kit test Việt Á”.
Ông Long lý giải đôn đốc vì muốn có nhiều sản phẩm trong chống dịch để tạo sự cạnh tranh và đã có tới 169 sản phẩm test được cấp phép. Ông nhận trách nhiệm về việc đôn đốc các đơn vị trong cấp phép lưu hành cho kit xét nghiệm của Việt Á.
Khi chủ tọa hỏi ông Long có can thiệp gì để giúp Công ty Việt Á trong quá trình cấp phép, phân phối kit xét nghiệm hay không, ông Long khẳng định “không có bất cứ ưu ái nào”. Thậm chí sau giai đoạn cấp phép tạm thời, Việt từng nhờ người tác động nhưng ông Long đã từ chối và “yêu cầu cứ làm theo quy định pháp luật”.
“Bị cáo nói rất công tâm nhưng tại sao lại nhận tiền từ Việt Á?”, chủ tọa hỏi. “Tôi đã sai, tôi xin lỗi”, ông Long vừa cúi đầu vừa nói.
Tại tòa, ông Long khai đã nhận 2,25 triệu USD từ Việt, trong đó 2,2 triệu USD nhận thông qua thư ký Nguyễn Huỳnh, 50.000 USD nhận trực tiếp. Thời điểm đưa và nhận tiền là khoảng 9 đến 10 tháng sau khi Bộ Y tế cấp phép tạm thời lưu hành cho kit xét nghiệm của Việt Á.
Ông Long khẳng định “không yêu cầu, đòi hỏi” Việt Á chi tiền, khi thư ký Huỳnh đưa tiền cho ông đều nói “do Việt Á làm ăn được nên cảm ơn”.
Trước lời khai trên, chủ tọa gọi bị cáo Nguyễn Huỳnh lên đối chất. Cựu thư ký Huỳnh khẳng định có hai lần ông Long nói rằng cần Việt hỗ trợ giải quyết công việc, mỗi lần yêu cầu đưa 1 triệu USD.
Đối chất lại, một lần nữa ông Long khẳng định không yêu cầu, đòi hỏi Việt Á phải chi tiền. “Tôi không nhớ nói gì để Huỳnh hiểu nhầm nhưng không bao giờ mà sau chín tháng kể từ khi cấp phép tôi lại yêu cầu Việt phải đưa tiền. Có lần tôi còn mắng Huỳnh không được dính dáng làm ăn gì với Việt Á”, ông Long phân trần.
Tiếp tục khai, ông Long cho biết có lần Huỳnh ca ngợi Việt Á thì ông còn mắng “ăn vàng ăn bạc gì của Việt Á mà ca ngợi như thế” – lời của cựu bộ trưởng tại tòa.
Cuối phần trả lời xét hỏi, ông Long cho biết quá trình điều tra ông đã thể hiện sự thành khẩn, tác động gia đình khắc phục toàn bộ số tiền nhận hối lộ.
Ông Chu Ngọc Anh: “Đau xót vì chưa có dịp trả lại 200.000 USD cho Việt Á”
Trước bục khai báo, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh thừa nhận cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố là “xác đáng”. Ông khai khoảng tháng 8-2020, khi ông đang công tác trong TP.HCM, thì cấp dưới có báo cáo Phan Quốc Việt muốn xin gặp để báo cáo kết quả, thành tích chống dịch COVID-19.
Khi gặp tại phòng làm việc, Việt đưa ra một túi quà nói là “có chút cảm ơn”. Sau khi Việt về, ông nghĩ rằng bên trong chỉ là sản phẩm kit test, không nghĩ bên trong có tiền nên cất túi quà vào góc trong phòng.
Khoảng cuối tháng 9-2020, khi dọn phòng làm việc để chuyển về UBND Hà Nội nhậm chức chủ tịch, ông Anh khai là lúc đó mới kiểm tra và thấy túi quà có 200.000 USD. Sau đó, ông cất tiền vào vali bảo nhân viên đưa về nhà để khi nào có dịp sẽ trả lại vì luôn nghĩ rằng “nhận tiền của doanh nghiệp là sai”.
Cũng theo ông, 21 tháng sau đó công tác tại UBND Hà Nội, do dịch bệnh căng thẳng kéo dài, “không có dịp đi công tác nên không có cơ hội gặp Việt để trả lại tiền” – ông Anh nói và cho hay “Đây là điều rất đau xót của bị cáo”.
Trong khi đó, trả lời thẩm vấn, cựu thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc khẳng định không nhận 50.000 USD từ Việt mà “chỉ nhận 100 triệu đồng”. Được gọi lên đối chất, bị cáo Việt nói rằng “không nhớ chính xác lắm về số tiền này do thời gian đã quá lâu”.