Ngày 22-3, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an) cho biết thời gian tới đây, với vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng CSGT sẽ bố trí lực lượng mặc thường phục, bí mật nắm tình hình để thông báo và kịp thời xử lý người vi phạm sử dụng rượu, bia tham gia giao thông trên tuyến. Lực lượng mặc thường phục ghi hình, nắm bắt thông tin sẽ phối hợp với các tổ CSGT công khai để xử lý vi phạm.
CSGT mặc thường phục kết hợp chốt công khai xử lý vi phạm giao thông. Ảnh: Cục CSGT
“Lực lượng CSGT thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, vị trí kiểm soát, bố trí lực lượng sử dụng môtô CSGT tuần tra cơ động gần khu vực kiểm soát để kịp thời xử lý các trường hợp cố tình quay đầu xe và rẽ vào đường ngang, ngõ tắt nhằm trốn tránh việc kiểm tra”- đại diện Cục CSGT thông tin.
Bên cạnh đó, CSGT sẽ tăng cường hóa trang ghi hình vi phạm hoặc xử lý thông qua hệ thống camera giám sát. Theo đó, nhóm hành vi được tăng cường hóa trang ghi hình vi phạm là: Vi phạm về tốc độ; tránh, vượt, phần đường, làn đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
“Với hành vi này, cán bộ, chiến sĩ CSGT sẽ trực tại trung tâm chỉ huy, giám sát 24/24 giờ, nắm tình hình trật tự an toàn giao thông, rà soát kịp thời các phương tiện vi phạm để thông báo cho lực lượng CSGT công khai đang làm nhiệm vụ trên tuyến dừng phương tiện để kiểm soát, xử lý”- đại diện Cục CSGT nêu rõ.
Cũng theo đại diện Cục CSGT, với các tuyến không được trang bị hệ thống giám sát tự động, sẽ bố trí cán bộ hóa trang, mặc thường phục sử dụng các thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ, sử dụng phương tiện CSGT hoặc cá nhân thường xuyên di chuyển trên tuyến ghi nhận các hành vi vi phạm để xử lý. Trường hợp không dừng được phương tiện thì phải gửi thông báo đến chủ phương tiện có liên quan để xử lý theo quy định.
“Hiện nay, việc hóa trang ghi hình các tài xế điều khiển xe vượt ẩu, lấn làn đã được Cục CSGT áp dụng tại tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn. Bước đầu, phát huy hiệu quả tốt, nhiều tài xế có ý thức chấp hành hơn”- đại diện Cục CSGT đánh giá.
Đại diện Cục CSGT cho biết thêm việc tăng cường xử lý theo 5 nhóm hành vi: Nồng độ cồn, ma túy; quá khổ quá tải, cơi nới thành thùng xe; tốc độ; vi phạm về tránh vượt, phần đường, làn đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và sử dụng các loại giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp (giấy tờ giả) liên quan đến người điều khiển và phương tiện… nhằm kiềm chế tai nạn giao thông.
“Việc kiểm tra, xử lý vi phạm theo các chuyên đề sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục, nghiêm minh, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần tuyệt đối thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ để răn đe, giáo dục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người tham gia giao thông”- đại diện Cục CSGT khẳng định.
Bộ Công an đã có thông tư 32 có hiệu lực từ 15-9-2023, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT.
Theo thông tư 32, CSGT sẽ được bố trí cán bộ hóa trang để phối hợp xử lý vi phạm giao thông. Cụ thể, tổ cảnh sát giao thông được bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công.
Theo đó, bộ phận cán bộ hóa trang và bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai trong tổ CSGT phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định.
Nguyễn Hưởng