4 vị thuốc nam tốt trong điều trị sốt xuất huyết giai đoạn đầu

Bên cạnh các phương pháp điều trị tích cực hiệu quả của y học hiện đại, trong y học cổ truyền, một số vị thuốc nam có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh ở giai đoạn đầu (sốt xuất huyết độ 1 và 2).

Bệnh sốt xuất huyết thuộc chứng Ôn dịch trong Đông y. Bệnh được chia thành 4 cấp độ như sau:

Độ I: Người bệnh đột ngột sốt cao liên tục, gai rét, đau người, đau mỏi cơ, mệt mỏi, buồn nôn và có dấu hiệu dây thắt dương tính, chưa có xuất huyết.

Độ II: Sốt cao, khát nước, không sợ lạnh, buồn bực, li bì, ra nhiều mồ hôi, có xuất huyết dưới da, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch, huyết áp vẫn trong giới hạn bình thường.

Độ III: Ngoài triệu chứng như độ II, có biểu hiện hội chứng sốc nhẹ: Mạch nhanh, yếu, huyết áp kẹt hoặc thấp, mình nóng, chân tay lạnh, li bì và vật vã.

Độ IV: Xuất hiện hội chứng sốc nặng: Thân nhiệt giảm đột ngột mạch không bắt được, huyết áp không đo được, toàn thân chân tay lạnh.

4 vị thuốc nam tốt trong điều trị sốt xuất huyết giai đoạn đầu

Cỏ nhọ nồi, thuốc nam điều trị sốt xuất huyết giai đoạn đầu

1. Nguyên tắc điều trị sốt xuất huyết theo y học hiện đại

– Bù nước và điện giải cho người bệnh, tốt nhất là qua đường uống, càng nhiều càng tốt: Dung dịch oresol, nước cam, nước chanh….

– Hạ sốt: Nếu bệnh nhân sốt cao ≥38,5°C thì dùng paracetamol đơn chất 10-15mg/ kg/lần, cách nhau từ 4-6 giờ, chườm khăn nước mát, nằm chỗ thoáng, không ủ chăn.

– Chú ý:

  • Không tự ý truyền dịch tại nhà.
  • Theo dõi mạch, huyết áp liên tục cho người bệnh, phát hiện các triệu chứng nguy hiểm như: Giảm nhiệt độ đột ngột (không do thuốc hạ sốt), bứt rứt, khó chịu, đầu chân tay lạnh.
  • Không tự ý dùng kháng sinh vì đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus Dengue gây ra, không phải do vi khuẩn.
  • Tốt nhất nên cho người bệnh vào viện nếu gia đình không theo dõi liên tục được tình trạng của người bệnh.

2. Điều trị sốt xuất huyết theo y học cổ truyền

– Thanh nhiệt giải độc, chống chảy máu để loại trừ nguyên nhân do nhiệt độc

– Lương huyết, chỉ huyết làm cho mát huyết, đưa huyết về trạng thái bình thường và để cầm máu.

photo-1695130583734

Hoa hòe giúp cầm máu trong các trường hợp xuất huyết.

Các vị thuốc nam thường dùng

– Thuốc thanh nhiệt: Bạc hà, sắn dây.

– Giải độc, chống xuất huyết: Cỏ nhọ nồi, hoa hòe.

+ Bạc hà: Cây bạc hà tên khoa học là Mentha arvensis L., họ Hoa môi (Labiatae). Bạc hà là vị thuốc được dùng cả trong Đông y và Tây y. Bạc hà là một vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, làm ra mồ hôi, hạ sốt; dùng chữa cảm cúm, ngạt mũi, nhức đầu, viêm họng, ho, đau bụng, tiêu hóa kém, nôn mửa.

Trong trường hợp sốt xuất huyết độ 1 và 2 có thể dùng 6-8g lá hoặc toàn cây hãm với nước sôi trong bình kín hoặc sắc uống.

+ Sắn dây: Sắn dây tên khoa học là Pueraria thomsoni Benth. Trong y học cổ truyền sắn dây có tên thuốc là cát căn, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sốt cao, nôn mửa, trị tiêu chảy, gáy vai cứng đau.

Trong trường hợp sốt xuất huyết độ 1và 2 có thể dùng 10-15g bột sắn dây pha nước uống hoặc dùng cát căn dưới dạng nước sắc.

+ Cỏ nhọ nồi: Theo y học hiện đại thì cỏ nhọ nồi có chứa tinh dầu, chất đắng, carotene, tannin và ancaloit gọi là ecliptin. Các nhà khoa học ví cỏ nhọ nồi như vitamin K có tác dụng chống lại tác dụng của discumarin, chống chảy máu tử cung, không gây tăng huyết áp và giãn mạch.

Cỏ nhọ nồi trong Đông Y thường được gọi là Hạn liên thảo có tác dụng thanh nhiệt, hạ sốt, trị xuất huyết bên trong và bên ngoài.

Trong trường hợp sốt cao, sốt xuất huyết độ 1 và 2 có thể lấy cỏ nhọ nồi 40g rửa sạch, giã nát uống, sang ngày thứ 3 khi nhiệt độ hạ thì sao đen tồn tính cỏ nhọ nồi sắc uống.

+ Hoa hòe: Với những thành phần có trong hoa hòe như chất chống oxy hóa là quercetin, kaemferol, glucosit, đặc biệt là rutin (chiếm 34 % trong nụ hoa hòe). Đây là chất có tác dụng làm giảm tính thẩm thấu của các mao mạch và làm tăng độ bền mao mạch nên tác dụng cầm máu rất tốt trong các trường hợp xuất huyết. Nếu cho vào nồi đất đun to lửa sao cháy tồn tính thì tác dụng mạnh hơn.

Chữa sốt xuất huyết: Dùng hoa hòe (sao qua) 10-15g hoặc dùng quả hòe 8-12g sắc uống.

Sốt xuất huyết chưa có vaccine tiêm phòng và chưa có thuốc trị đặc hiệu vì vậy việc phòng ngừa, phát hiện sớm, điều trị kịp thời đúng phác đồ ngay ở cấp độ 1 và 2 là rất cần thiết có thể tránh được sự tiến triển của bệnh sang cấp độ 3 và 4 gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng người bệnh

Thuốc nam chữa bệnh sốt xuất huyết theo y học cổ truyền mang lại hiệu quả khá tốt khi bệnh ở cấp độ 1 và 2 (chỉ xuất huyết dưới da, không có xuất huyết phủ tạng).

Khi bệnh sốt xuất huyết ở cấp độ 3 và 4, người bệnh rất nguy kịch phải được cấp cứu bằng y học hiện đại. Không điều trị bằng y học cổ truyền đơn thuần, chỉ phối hợp trong những trường hợp cụ thể theo chỉ định của thầy thuốc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *