Thủng màng nhĩ có biểu hiện như thế nào?

Thủng màng nhĩ là khi màng nhĩ xuất hiện một lỗ thông thương giữa ống tai ngoài và hệ thống tai giữa. Màng nhĩ là một lớp mô liên kết có 3 lớp, gồm lớp da ở mặt ngoài, liên tục với da ống tai, lớp niêm mạc ở mặt trong, liên tục với niêm mạc tai giữa, và lớp mô sợi ở giữa.

Màng nhĩ có chức năng dẫn truyền âm thanh, khuếch đại âm thanh, bảo vệ tai giữa. Khi màng nhĩ bị thủng, chức năng đó không còn toàn vẹn và người bệnh sẽ giảm thính lực một mức độ nhất định.

Thủng màng nhĩ có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, tuy nhiên thường gặp nhất là ở độ tuổi nhi đồng đi kèm với viêm tai giữa. Lứa tuổi thanh thiếu niên, trung niên thì chấn thương gây thủng nhĩ là nguyên nhân thường gặp, nam giới nhiều hơn nữ giới.

1. Nguyên nhân gây thủng màng nhĩ

Có nhiều nguyên nhân có thể gây thủng màng nhĩ, chia làm hai loại chính là chấn thương và viêm nhiễm.

Chấn thương

Chấn thương trực tiếp: Do các vật nhọn đâm vào màng nhĩ, thường do lấy ráy tai không cẩn thận, hoặc do các vật thể lạ như hạt, đinh, que, kẹp… bị rơi vào tai.

Chấn thương gián tiếp: Do sự thay đổi áp lực giữa tai ngoài và tai giữa quá lớn, làm màng nhĩ không chịu được và bị thủng. Các tình huống thường gặp là bị tát tai, đi máy bay, lặn sâu, nổ súng, nổ bom…

Chấn thương đầu nặng: Do tai nạn giao thông, ngã, đánh nhau… gây vỡ xương sọ, làm tổn thương đến cấu trúc của tai giữa và tai trong, bao gồm cả màng nhĩ.

Viêm nhiễm

Thủng màng nhĩ có biểu hiện như thế nào?

Khi màng nhĩ bị thủng người bệnh sẽ giảm thính lực một mức độ nhất định.

Viêm tai giữa cấp: Do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào tai giữa, gây viêm nhiễm và tích tụ dịch mủ trong hòm nhĩ, làm tăng áp lực và đẩy màng nhĩ ra ngoài, gây thủng màng nhĩ. Viêm tai giữa cấp thường do nhiễm trùng từ mũi họng lan lên qua ống Eustachio, hay gặp ở trẻ em.

Viêm tai giữa mạn tính: Do viêm tai giữa cấp không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, gây viêm nhiễm kéo dài và tiêu hóa màng nhĩ, tạo ra các lỗ thủng lớn và khó liền lại. Viêm tai giữa mãn tính thường gặp ở người lớn, có thể gây ra các biến chứng như viêm xương chũm, viêm não màng não, viêm màng não…

2. Dấu hiệu thủng màng nhĩ

Triệu chứng của thủng màng nhĩ thường là:

Thủng màng nhĩ đột ngột: Có cảm giác đau nhói trong tai, ù tai, chảy máu tai, chóng mặt, buồn nôn, nôn và có thể dẫn đến mất thính lực (điếc tai).

Thủng đơn thuần sẽ điếc nhẹ, giảm khả năng nghe.

Thủng màng nhĩ nguyên nhân do viêm tai giữa cấp: Triệu chứng sốt, ăn uống kém kèm đau nhức trong tai, ù tai hoặc nghe kém. Khi màng nhĩ thủng, mủ thoát ra được ngoài ống tai thì các triệu chứng sẽ thuyên giảm đi.

Nhìn chung, thủng màng nhĩ thường có tiên lượng tốt và ít khi có biến chứng. Lỗ thủng màng nhĩ do chấn thương thường tự lành mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, thủng màng nhĩ cũng cần được khám và đánh giá, tùy thuộc vào kích thước lỗ thủng, vị trí lỗ thủng, và triệu chứng đi kèm, để quyết định điều trị.

Khi bị thủng màng nhĩ, có dấu hiệu nghe kém, cần tới chuyên khoa để thăm khám và tìm hiểu nguyên nhân. Thủng màng nhĩ đơn thuần có thể tự liền từ sau vài tuần đến một tháng. Tuy nhiên nếu thủng màng nhĩ do nhiễm trùng lâu ngày sẽ gây viêm xương chũm làm giảm khả năng nghe nghiêm trọng và có thể biến chứng viêm màng não, áp xe não, viêm xoang tĩnh mạch hoặc liệt mặt.

Nên thận trọng khi vệ sinh tai cho trẻ.

Nên thận trọng khi vệ sinh tai cho trẻ.

3. Điều trị thủng màng nhĩ

Điều trị thủng màng nhĩ cơ bản là điều trị hỗ trợ, vì màng nhĩ có khả năng tự lành rất tốt, miễn là giữ tai khô sạch, do môi trường ẩm ướt có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ phát. Nếu nguyên nhân thủng nhĩ là chấn thương, kháng sinh thường không cần thiết.

Với các nguyên nhân nhiễm trùng (viêm tai ngoài, tai giữa, nấm) thì điều trị nguyên nhân, sau đó cũng là giữ tai khô sạch, và màng nhĩ sẽ tự lành. Tuy nhiên, với các lỗ thủng rộng, hoặc vị trí thủng ở góc phần tư sau trên, hoặc các lỗ thủng chậm lành, hoặc có nghe kém đi kèm, bệnh nhân cần được can thiệp y tế. Các bác sĩ có thể phẫu thuật vá nhĩ, sau phẫu thuật cần tránh nước vào tai, không bơi lội và đội mũ tắm để chống nước khi tắm; khi hắt hơi nên mở miệng để không gây tăng áp lực lên tai.

Phẫu thuật vá nhĩ nội soi là phương pháp phẫu thuật an toàn, ít xâm lấn, vết thương mau lành. Thời gian phẫu thuật 60-90 phút. Người bệnh có thể xuất viện sau hai ngày hậu phẫu.

Tóm lại: Thủng màng nhĩ là một tình trạng thường gặp ở cả trẻ em và người lớn, có thể gây ra nhiều phiền toái cho sức khỏe và thính giác. Để phòng bệnh, mọi người không nên dùng các vật nhọn hoặc cứng để lấy ráy tai, có thể gây thương tổn màng nhĩ hoặc ống tai ngoài. Nên dùng bông gòn hoặc gạc mềm để lau sạch ráy tai ở phần ngoài của ống tai ngoài, tránh xúc vào phần trong gần màng nhĩ.

Nếu bị viêm mũi họng nên đi khám và điều trị kịp thời, tránh để nhiễm trùng lan lên tai giữa qua ống Eustachio, gây viêm tai giữa và thủng màng nhĩ. Nên dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc xịt mũi theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý dùng thuốc hoặc bơm nước vào mũi.

Nếu có triệu chứng bất thường ở tai, như đau tai, chảy máu tai, mất thính lực, ù tai, chóng mặt… nên đi khám tai mũi họng để được xác định nguyên nhân và điều trị sớm, tránh để tình trạng thủng màng nhĩ xảy ra hoặc nặng thêm.

BS. Nguyễn Văn Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thung-mang-nhi-co-bieu-hien-nhu-the-nao-169240412170916031.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *