Rất nhiều người trưởng thành bị hôi miệng liên tục vào một thời điểm nào đó. Hôi miệng không chỉ làm người đó mất tự tin mà đôi khi có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng…
Thông thường hôi miệng là do vi khuẩn tích tụ trong miệng. Mặc dù một số loại thực phẩm như tỏi hoặc hành đôi khi có thể khiến bạn bị hôi miệng tạm thời nhưng đây thường không phải là nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng mạn tính. Hơi thở hôi thường xuyên thực chất là do các yếu tố như nấm men và nấm Candida phát triển quá mức trong cơ thể.
1. Nguyên nhân phổ biến gây hôi miệng
Hôi miệng là cách mô tả mùi khó chịu phát ra từ miệng, còn được gọi là chứng hôi miệng, nếu đây là tình trạng mạn tính. Hầu hết mọi người đều có thể bị hôi miệng tại một thời điểm nào đó. Nguyên nhân có thể do thức ăn hoặc vi khuẩn có trong miệng.
Các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi (VSC) là nguyên nhân chính gây ra mùi hôi miệng, có thể phát sinh do sự phân hủy của thức ăn, mảng bám răng, bệnh răng miệng và các yếu tố khác…
Một quan niệm sai lầm phổ biến về chứng hôi miệng cho rằng bắt nguồn từ ruột hoặc dạ dày. Nhưng thực chất hôi miệng xuất phát từ phía sau lưỡi, cổ họng, amidan, răng và nướu. Đây là nơi tìm thấy vi khuẩn tự nhiên có thể thải ra các hợp chất chứa lưu huỳnh, dẫn đến hôi miệng.
Trong trường hợp mắc bệnh nướu răng (còn gọi là bệnh nha chu là một bệnh nhiễm trùng nướu và răng), hơi thở hôi thường gặp do vi khuẩn sinh sôi nảy nở bên dưới bề mặt nướu, nơi chúng gây viêm và giải phóng các hợp chất lưu huỳnh. Các mảnh thức ăn mắc kẹt trong miệng cũng có thể gây ra mùi hôi.
Hôi miệng tạm thời thường do vi khuẩn và các hợp chất có mùi có trong một số loại thực phẩm gây ra và sẽ biến mất trong vòng 24 giờ sau khi thức ăn được tiêu hóa hoàn toàn.
Nguyên nhân gây hôi miệng có thể do thức ăn hoặc vi khuẩn có trong miệng…
2. Những thực phẩm cần tránh có thể gây hôi miệng
– Hành và tỏi: Đây là những thực phẩm gây hôi miệng nhiều nhất. Mặc dù cả hai đều rất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu bạn sắp tham dự một sự kiện và muốn tránh hơi thở có mùi hôi thì hãy tránh hoặc sử dụng chúng một cách có chừng mực.
– Thực phẩm chiên hoặc thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa khác: Những thực phẩm này mất nhiều thời gian để di chuyển qua hệ thống tiêu hóa, do đó tạo ra chứng hôi miệng.
– Đường và đồ uống có đường: Thực phẩm này có thể dẫn đến sâu răng và bệnh nướu răng, góp phần gây ra chứng hôi miệng. Đồ uống có đường phủ đường lên răng và nhiều người trong chúng ta không nghĩ đến việc đánh răng sau khi tiêu thụ.
3. Biện pháp tự nhiên giảm hôi miệng
Nếu bạn đang bị chứng hôi miệng dai dẳng, hãy thử bất kỳ một hoặc nhiều giải pháp nào trong số này để cải thiện tình trạng hôi miệng của mình:
– Vệ sinh răng miệng: Đầu tiên và quan trọng nhất, hãy đảm bảo đánh răng hai lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa để lấy thức ăn. Cạo lưỡi cũng có thể hữu ích trong việc loại bỏ vi khuẩn khỏi miệng của bạn.
– Khám răng định kỳ: Hãy gặp nha sĩ 6 tháng một lần để kiểm tra răng miệng. Đảm bảo điều trị sâu răng, vết nứt trên răng hoặc khắc phục các tình trạng (nếu có) như miếng trám răng không vừa khít hoặc mão răng… có thể chứa vi khuẩn có mùi.
Nha sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị để giúp loại bỏ mùi hôi miệng, chẳng hạn như cạo lưỡi hoặc lấy cao răng… để loại bỏ mảng bám.
– Không tiêu thụ nhiều đường: Một trong những điều đầu tiên cần giải quyết là sự phát triển quá mức của nấm men và nấm candida, chúng không chỉ gây ra hôi miệng mà còn gây ra nhiều triệu chứng khác.
Khắc phục điều này bằng cách tuân theo chế độ ăn ít đường hơn và nhiều thực phẩm giàu men vi sinh hơn. Vì vậy, nếu bạn đang tiêu thụ quá nhiều đường đã qua chế biến, ngũ cốc tinh chế, bánh mì trắng… thì đây có thể là nguyên nhân chính gây ra vấn đề.
Đường và ngũ cốc tinh chế thúc đẩy hoạt động và phát triển của nhiều loại vi khuẩn. Loại bỏ hoặc giảm lượng đường các sản phẩm chứa nhiều đường và ngũ cốc tinh chế sẽ giúp loại bỏ chứng hôi miệng. Tất nhiên, động tác này cũng có thể giúp bạn duy trì hoặc giảm cân và cải thiện sức khỏe tổng thể của mình.
– Tiêu thụ nhiều chất béo lành mạnh hơn: Đảm bảo bạn đang tiêu thụ đủ chất béo lành mạnh, chẳng hạn như từ các loại dầu như dầu dừa nguyên chất, hữu cơ hoặc dầu ô liu. Các loại hạt, quả bơ, trứng, cá và thịt cũng có thể cung cấp chất béo lành mạnh, giúp bạn “loại bỏ” đường và ngũ cốc tinh chế.
– Thêm thực phẩm bổ sung và tinh dầu: Điều tiếp theo cần làm là bổ sung một số loại thực phẩm và chất bổ sung vào thói quen của bạn để giúp thoát khỏi chứng hôi miệng như men vi sinh, sử dụng tinh dầu bạc hà…
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, dầu bạc hà được sử dụng làm nước súc miệng có thể giúp giảm chứng hôi miệng. Nước súc miệng bằng dầu bạc hà được coi là một công thức an toàn không có bất kỳ tác dụng phụ nào, rất hữu ích trong việc chống lại vi khuẩn gây hôi miệng.
– Ăn mùi tây: Một loại thảo mộc thơm có thể giúp cải thiện hơi thở của bạn là rau mùi tây. Mùi tây không chỉ là gia vị trang trí đẹp mắt cho món ăn mà nó còn được sử dụng để điều trị chứng hôi miệng hiệu quả.
Một phần lý do mùi tây có lợi cho hơi thở là vì nó có tính kiềm. Nếu bạn đang làm nước ép rau củ tại nhà, hãy thử sử dụng các nguyên liệu như mùi tây, bạc hà và các loại rau lá xanh như cải xoăn, rau bina và củ cải Thụy Sĩ. Ngoài ra, uống nước ép dưa chuột và cần tây có thể giúp cải thiện hơi thở của bạn.
– Nhai hạt thì là: Ở một số nền văn hóa, người ta cũng thường nhai hạt thì là sau bữa ăn để giúp tiêu hóa và loại bỏ mùi hôi miệng. Một số loại dầu có trong cây thì là giúp kích thích tiết dịch tiêu hóa.
– Xử lý các vấn đề về tiêu hóa: Mặc dù chứng hôi miệng thường không xuất phát từ dạ dày, nhưng nếu bạn thường xuyên ợ hơi, cảm thấy đầy hơi, bạn cần phải giải quyết vấn đề xảy ra trong dạ dày. Điều trị các vấn đề về tiêu hóa bao gồm trào ngược axit/ợ chua/GERD, dị ứng thực phẩm và các tình trạng như nấm Candida hoặc SIBO (sự phát triển quá mức của vi khuẩn ruột non). Bạn có thể cần thử chế độ ăn kiêng, chế độ ăn ít carb/đường hoặc chế độ ăn ít FODMAP.