Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy), Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty CP đầu tư và phân phối Egame), Đặng Văn Hiển (Trưởng Ban quan hệ cổ đông Công ty CP đầu tư và phân phối Egame) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, ông Thủy bị nhiều nhà đầu tư tố giác lừa đảo chiếm đoạt cả trăm tỷ đồng thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup.
Đối mặt khung hình phạt cao nhất
Trả lời PV VTC News, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) cho biết, nếu hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự với hình phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.
“Trong vụ án này, Shark Thủy và đồng phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có mức hình phạt tới 20 năm tù hoặc tù chung thân”, luật sư Cường cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy (hay còn gọi Shark Thủy).
Theo luật sư, không có gì bất ngờ khi ông Nguyễn Ngọc Thủy bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi trước đó Tập đoàn Egroup của ông Thủy lâm vào tình trạng phá sản, rất nhiều người mất tiền sau khi đầu tư vào các dự án của tập đoàn này.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định Shark Thủy đưa ra những thông tin gian dối về tình hình tài chính của doanh nghiệp, về tính khả thi của các dự án, kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn bằng hình thức vay vốn, bán cổ phần, thế chấp cổ phần…, cam kết lợi nhuận là mồi nhử cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên khi các nhà đầu tư nộp tiền, bị can đã sử dụng tiền sai mục đích, không có khả năng trả lại tài sản.
Bởi vậy, trường hợp kết quả xác minh cho thấy doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản, không còn khả năng trả tiền nhưng vẫn nhận tiền huy động vốn và cam kết trả tiền đúng hạn thì đó là thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.
“Hành vi đưa ra thông tin là doanh nghiệp luôn có lãi, không bao giờ thua lỗ để cam kết một mức lãi suất, lợi nhuận cố định (cao hơn mức lãi suất tiền gửi ngân hàng) là thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền góp vốn của các nhà đầu tư nên hành vi này cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nếu không cam kết một lãi suất cao và cố định như vậy khi đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần thì nhà đầu tư sẽ không nộp tiền vào công ty và đối tượng sẽ không chiếm đoạt được.
Do tin tưởng số tiền đó luôn được bảo toàn giống như cho vay và hoạt động kinh doanh luôn thuận lợi, luôn có một mức lợi nhuận cố định, các nhà đầu tư mới đưa tiền và bị bị can chiếm đoạt”, ông Cường phân tích.
Điều tra thủ đoạn chiếm đoạt tiền học phí
Nhiều phụ huynh cho con theo học tại hệ thống các trung tâm Anh ngữ Apax Leader của ông Thủy cũng phản ánh được yêu cầu đóng tiền học trước, tuy nhiên sau một thời gian, các trung tâm đột ngột đóng cửa hoặc chuyển sang giảng dạy online.
Luật sư Cường phân tích, nếu ông Thủy biết các trung tâm này không còn khả năng hoạt động nhưng vẫn nhận tiền đặt trước của các phụ huynh thì đây cũng là thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền của các phụ huynh và cũng có thể bị xử lý hình sự.
Phụ huynh căng băng rôn đòi tiền tại trung tâm tiếng Anh Apax Leaders của Shark Thủy.
Tất cả những người mất tiền từ các dự án đầu tư mua cổ phần, cho vay, nộp tiền vào trung tâm tiếng Anh đều được xác định là người bị hại. Có thể với các phương thức, thủ đoạn lừa đảo khác nhau nhưng tất cả các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đều là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Về việc trả tiền cho các bị hại, luật sư Cường nói đây là trách nhiệm của người phạm tội, các bị can, bị cáo. Nếu bị can, bị cáo không tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì nhà chức trách sẽ thu hồi tài sản của bị can, bị cáo hoặc thu hồi các tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có để trả lại cho người bị hại.
Trong vụ án, số tiền chiếm đoạt sẽ rất lớn và số nạn nhân cũng rất nhiều. Những người bị các cá nhân của Tập đoàn Egroup chiếm đoạt tài sản cần khẩn trương cung cấp thông tin hồ sơ với cơ quan điều tra để được xác định tư cách là người bị hại và được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Cơ quan điều tra sẽ thực hiện các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản của tổ chức, cá nhân liên quan để đảm bảo thi hành án, trả lại tài sản cho người bị hại.
Quá trình giải quyết vụ án, những người bị hại có quyền yêu cầu bị can và những người có liên quan bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Minh Tuệ
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bi-khoi-to-shark-thuy-doi-dien-muc-an-nao-ar861165.html