Phạt tù từ 3 năm đến 7 năm nếu để thú cưng cắn chết người

Chó thả rông, không xích, không rọ mõm… một câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ, nhưng luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Bởi lẽ, ngày nay ở những khu vui chơi công cộng như: công viên, sân chung cư… hình ảnh những chú chó không rọ mõm chạy lung tung, phóng uế bừa bãi khiến nhiều người ái ngại, lo lắng và bất an.

Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp vật nuôi gây thương tích, thiệt hại cho con người. Theo số liệu thống kê, trong năm 2023, cả nước có 82 người chết vì bệnh dại, gần 700.000 người bị chó mèo cắn phải tiêm phòng. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn quốc ghi nhận 27 ca tử vong do bệnh dại, 100.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.

Những năm gần đây, bình quân mỗi năm ở nước ta có khoảng từ 400.000 – 500.000 người bị vật nuôi tấn công, trong đó có nhiều vụ dẫn đến thiệt hại về tính mạng. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý vật nuôi sao cho đúng quy định pháp luật để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Phạt tù từ 3 năm đến 7 năm nếu để thú cưng cắn chết người

(Ảnh minh họa)

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, căn cứ vào khoản 4 Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018 quy định chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

1. Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y

2. Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y

3. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y

4. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, nếu như thú cưng hay vật nuôi gây thiệt hại cho người khác thì người chủ sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành vi mà thú cưng (chó, mèo) hay vật nuôi của mình gây ra.

Theo như Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ- CP quy định về các hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng thì hành vi thả thú cưng, vật nuôi tại nơi công cộng thì có thể bị xử phạt như như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

– Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng;

– Để vật nuôi, cây trồng hoặc các vật khác xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị;

– Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

– Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức phạt tiền này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Ngoài ra, trường hợp thú cưng hay vật nuôi gây thương tích, thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

+ Làm chết 02 người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:

+ Làm chết 03 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.

(Theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người)

Chó thả rông là nỗi lo ngại của nhiều người, nhưng lại rất dễ giải quyết khi chủ nuôi có ý thức chấp hành những quy định chung. Yêu thương động vật là điều tốt, nhưng yêu thương cần gắn liền với trách nhiệm và ý thức văn minh, dù là ở nhà hay khi ra ngoài.

Thu Hằng/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/phat-tu-tu-3-nam-den-7-nam-neu-de-thu-cung-can-chet-nguoi-post1096613.vov

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *