Chiết xuất lá dạ cẩm giảm đau, không tác dụng phụ

Lá dạ cẩm chứa nhiều hoạt chất sinh học có khả năng kháng oxy hóa, kháng khuẩn, kháng viêm, bảo vệ gan, cắt cơn đau và các hoạt động bảo vệ thần kinh.

Chiết xuất lá dạ cẩm giảm đau, không tác dụng phụ

Cây lá cẩm chứa nhiều hoạt chất quý giúp giảm đau.

Giải bài toán tác dụng phụ

Theo TS Trần Thị Phương Nhung, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, các loại thuốc thông thường để giảm đau hiện nay như aspirin, tramadol, morphin, thuốc chống viêm không steroid NSAID… đang được sử dụng rộng rãi.

Trong hầu hết các trường hợp, các loại thuốc giảm đau này, đặc biệt là morphin, tramadol và NSAID chỉ có thể làm giảm 50% cơn đau ở khoảng 30% bệnh nhân.

Ngoài ra, khi sử dụng lâu dài các loại thuốc giảm đau trên có thể gây ra những tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng morphin gây ra sự phụ thuộc về thể chất, dung nạp và nghiện; NSAID thường gây rối loạn tiêu hóa; tramadol gây nôn, táo bón, khó ngủ, mệt mỏi, nhức đầu…

Chính vì vậy, cần nghiên cứu các lựa chọn thay thế khác nhằm điều trị cơn đau. Trong đó, nhiều loại thảo mộc có hoạt tính giảm đau đã được sử dụng mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào.

Theo nhóm nghiên cứu, cây dạ cẩm hay còn gọi là cây loét mồm, họ Cà phê (Rubiaceae), thường mọc hoang, phân bố ở nhiều vùng núi và trung du với độ cao đến 1.000m ở các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Lâm Đồng… có thể là sự lựa chọn tốt.

Theo y học cổ truyền, dạ cẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giảm đau, tiêu viêm, lợi tiểu. Trên thực tế lâm sàng, dạ cẩm có tác dụng làm giảm các cơn đau, có tác dụng trung hòa axit trong dạ dày, làm bớt ợ hơi, ợ chua, làm cho vết loét nhanh lành lại và nhanh chóng hồi phục sức khỏe cho người bệnh.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, lá dạ cẩm chứa nhiều hoạt chất có hoạt tính sinh học như iridoid, antraquinone, flavonoid, alkaloid, sterol và polysacarid… nên có khả năng kháng oxy hóa, kháng khuẩn, kháng viêm, bảo vệ gan, cắt cơn đau và các hoạt động bảo vệ thần kinh.

Xuất phát từ thực tế này, nhóm tác giả ở Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM đã thu mua lá cây dạ cẩm tươi tại huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai để sử dụng trong nghiên cứu.

Lá được rửa sạch và sấy khô trong tủ sấy ở 60 độ C, cho đến khi độ ẩm < 12%. Sau đó, lá khô được nghiền thành từng mảnh nhỏ bằng cối, rồi nghiền thành bột thô.

Đem bột mịn của lá ngâm với dung môi methanol 95% trong 36 giờ ở nhiệt độ phòng và lắc liên tục. Hỗn hợp này sau đó được lọc và cô lại bằng thiết bị cô quay chân không. Dịch chiết thu được có độ ẩm ≤20%, ở dạng cao lỏng (gọi là EtOC).

Giảm đau hiệu quả

Nhóm nghiên cứu cho biết, phân tích các thành phần hóa học cho thấy dịch chiết lá cẩm chứa một số chất hóa học thực vật như alkaloid, tannin, terpenoid, carbohydrate, flavonoid, glycoside, phenolic, saponin… không có sự hiện diện của protein, steroid.

Chuột được gây đau bằng nhiệt, axit axetic và sử dụng đường uống EtOC để thử nghiệm khả năng giảm đau. Kết quả, sử dụng EtOC ở mức 100, 150 và 200mg/kg, làm giảm đáng kể số lần co thắt vùng bụng do axit axetic gây ra ở chuột so với nhóm đối chứng âm (nhóm sử dụng nước muối sinh lí). Hiệu quả giảm đau phụ thuộc vào thời gian sử dụng EtOC.

Cụ thể, số lần co thắt vùng bụng ở 5 phút đầu khoảng 12 lần, phút thứ 50 giảm xuống còn khoảng 7 lần ở mức liều EtOC 200 mg/kg, so với dùng aspirin giảm các cơn co thắt bụng từ 8 xuống còn 4 lần, nước muối sinh lí từ 31 xuống 26 lần.

Theo nhóm tác giả, những kết quả này cho thấy hiệu quả ức chế cơn đau của EtOC, do có sự hiện diện của các chất chuyển hóa như alkaloid, flavonoid, saponin, terpenoid, tannin… có tác dụng chống viêm và giảm đau.

Do đó, chiết xuất ethanol lá cẩm là thảo dược mới, có tiềm năng ứng dụng sản xuất các chế phẩm giảm đau. Tuy nhiên, để trở thành thuốc giảm đau còn cần đến nhiều công đoạn thử nghiệm khác nữa.

Cây lá dạ cẩm được dùng nhiều trong dân gian để chữa loét lưỡi họng hoặc viêm lưỡi, điều trị đau dạ dày hay đơn giản là làm lành vết thương. Người dân thường dùng lá dạ cẩm tươi, rửa sạch, giã nát và đắp để vết thương nhanh lên da non, nhanh lành.

Cây dạ cẩm là thuốc nam, có tác dụng cải thiện một số vấn đề liên quan đến sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng dược liệu, bạn nên chú ý về liều lượng và cách dùng để tránh tác dụng phụ không mong muốn. Đặc biệt, không nên sử dụng dạ cẩm điều trị bệnh cho phụ nữ mang thai khi chưa được bác sĩ đồng ý.

Nhật Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chiet-xuat-la-da-cam-giam-dau-khong-tac-dung-phu-post678138.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *