Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 37 và Quyết định 25 của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định 174, cả nước có 2.184 ứng viên được công nhận chức danh.
Năm 2018, Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thay thế Quyết định 174 trước đó nhưng phải đến năm 2019 mới chính thức đi vào thực tiễn.
Mục tiêu cơ bản của Quyết định số 37 là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) Việt Nam thông qua quy định các tiêu chuẩn tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế; thúc đẩy ứng viên công bố các công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín, giúp cho ứng viên ngày càng hội nhập sâu, rộng với cộng đồng khoa học quốc tế; nâng dần trình độ ngoại ngữ nhất là tiếng Anh; công khai, minh bạch trong quá trình đánh giá hồ sơ ứng viên…
Trong 5 năm qua, theo thông tin của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN), HĐGSNN phối hợp với HĐGS các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý, minh bạch, khách quan và trả lời công khai theo quy định những đơn thư phản ánh liên quan.
Năm 2019, có 30 ý kiến phản ánh của xã hội. Năm 2020, có 57 lượt đơn thư, ý kiến phản biện từ xã hội liên quan đến 16 HĐGS ngành, liên ngành; 2 đơn thư liên quan đến thành viên HĐGS ngành,liên ngành; 2 ý kiến thắc mắc về kết quả xét tại HĐGS ngành.
Năm 2021, có 35 ý kiến phản ánh của xã hội (3 chính danh). Năm 2022, có 22 đơn thư, email kiến nghị, phản ánh (2 đơn chính danh). Năm 2023 có 18 ý kiến phản ánh.
Tính đến thời điểm hiện tại, HĐGSNN đã xử lý xong 100% các đơn thư kiến nghị, phản ánh, tố cáo về các ứng viên; đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý xong 2 đơn tố cáo về thành viên HĐGS ngành, liên ngành là Hội đồng ngành Văn hóa – Nghệ thuật – Thể dục thể thao và Hội đồng ngành Kinh tế và 3 đơn tố cáo đối với 3 PGS đã được công nhận những năm trước; đang phối hợp xử lý 1 đơn tố cáo về 1 PGS đã được công nhận năm 2021, 1 PGS ngành Cơ khí – Động lực năm 2017, 1 PGS ngành Giáo dục học năm 2021, 1 PGS ngành Chăn nuôi – Thú y năm 2022); đang phối hợp xử lý 1 PGS ngành Luật học năm 2021.
Kết quả xét cả nhiệm kỳ trong các năm 2019-2023 cho thấy tỷ lệ ứng viên nộp hồ sơ so với số ứng viên đăng ký là 3126/3612, chiếm tỷ lệ trên 86%, trong đó tỷ lệ đối với ứng viên GS là 84,5% và PGS là 86,9%;
Tỷ lệ ứng viên được thông qua tại các HĐGS cơ sở 2746/3126, chiếm tỷ lệ gần 88%, trong đó tỷ lệ đối với ứng viên GS là 88,1% và PGS là 88,8%;
Tỷ lệ ứng viên được thông qua tại các HĐGS ngành, liên ngành: 2264/2746, chiếm tỷ lệ 82,4%, trong đó tỷ lệ đối với ứng viên GS là 70,9% và PGS là 84,2%;
Tỷ lệ ứng viên được thông qua tại HĐGS nhà nước: Tổng số 2184/2264, đạt 96,5%, trong đó tỷ lệ đối với ứng GS là 93,9% và PGS là 96,9%. Nếu so sánh với số ứng viên nộp hồ sơ xét tại các HĐGS cơ sở, thì số ứng viên được thông qua HĐGSNN đạt tỷ lệ 69,8%; so với số ứng viên đăng ký, thì số ứng viên được thông qua HĐGS nhà nước đạt tỷ lệ 60,5% (GS đạt 49,6% và PGS đạt 62,2%).
Theo HĐGSNN, năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện Quyết định 37, HĐGS ngành Khoa học An ninh và Khoa học Quân sự đề nghị HĐGSNN xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS cho 5 ứng viên chuyên ngành Phòng cháy chữa cháy theo quy định của Quyết định 37 và 35 ứng viên (1 ứng viên GS, 34 ứng viên PGS) xét theo phương án thay thế đặc thù.
Tuy nhiên, sau khi báo cáo, Văn phòng Chính phủ đề nghị thực hiện đúng Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu qua thực hiện thấy Quyết định có những nội dung chưa phù hợp thì có đánh giá kỹ và thực hiện trình tự sửa đổi, bổ sung theo quy định.
Cũng trong năm 2019, đã thực hiện xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS cho 1 trường hợp đặc biệt (PGS. TSKH. Phạm Đức Chính, theo đề nghị của HĐGS ngành Cơ học) theo quy định của Quyết định số 37
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 25 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37, trong đó, đã quy định việc thay thế tiêu chuẩn bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế uy tín đối với các chuyên ngành Khoa học Quân sự và Khoa học An ninh liên quan đến bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Quốc phòng, An ninh và sửa đổi Phụ lục I để phân biệt rõ bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học và báo cáo khoa học tại các hội thảo.
Nhờ đó, 36 ứng viên chuyên ngành liên quan đến bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Quốc phòng, An ninh được xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS năm 2020.
Bên cạnh những thành tích đạt được, hoạt động công tác nhiệm kỳ 2018 – 2023 của HĐGSNN vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Việc hiểu và áp dụng về mức độ “không đủ” của một số tiêu chuẩn theo Quyết định số 37 (không đủ thâm niên giảng dạy, không đủ số giờ chuẩn giảng dạy; không đủ công trình khoa học; không thực hiện đủ nhiệm vụ khoa học và công nghệ; không hướng dẫn đủ nghiên cứu sinh, học viên cao học; không đủ số điểm quy định từ việc biên soạn sách phục vụ đào tạo,…) ban đầu chưa được thống nhất giữa các HĐGS ngành, liên ngành nhưng đã được HĐGSNN kịp thời thống nhất, hướng dẫn bảo đảm công bằng cho tất cả các ứng viên.
Các quy định về bài báo quốc tế uy tín, sách chuyên khảo, tiêu chí để công trình khoa học được tính điểm, chưa tường minh dẫn đến sự “lạm dụng” khái niệm sách chuyên khảo hay ứng viên công bố quá nhiều các công trình khoa học trong một thời gian ngắn khiến dư luận nghi ngờ tính nghiêm túc.
Mặt khác, quy định bắt buộc số lượng các bài báo quốc tế uy tín như nhau cho mọi đối tượng ứng viên thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau, là khó khăn đối với một số ngành thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội – Nhân văn, Văn hóa – Nghệ thuật, Thể dục thể thao.
Ở một số HĐGS cơ sở, HĐGS ngành, liên ngành, việc xác định tạp chí quốc tế uy tín, nhà xuất bản quốc tế uy tín vẫn còn lúng túng; thẩm định các công trình khoa học vẫn thiên về kiểm đếm số lượng, chưa đánh giá kỹ chất lượng nội dung của từng công trình khoa học; chưa xử lý triệt để các thắc mắc, dẫn đến còn một số đơn thư vượt cấp lên HĐGS nhà nước và cơ quan truyền thông.
Vấn đề liêm chính khoa học đã được các HĐGS các cấp ngày càng chú trọng hơn trong quá trình thẩm định hồ sơ, nhưng chưa được áp dụng đồng đều giữa các hội đồng, đặc biệt là giữa các HĐGS ngành, liên ngành.
HĐGSNN đưa ra đề xuất thời gian tới, tổ chức rà soát, đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 37 và Quyết định số 25 theo hướng bảo đảm các quy định chặt chẽ, rõ ràng, phù hợp hơn với thực tiễn và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, góp phần nâng cao chất lượng công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS trong những năm tới.T.H (theo VTC News)