Theo thông tin được chia sẻ, bệnh nhân quê tại Thanh Hóa, sau khi đi xem thầy bói phong thủy “phán” rằng mũi của cô nàng xấu, khiến cho tài lộc tiêu tán. Cho rằng thầy đã phán đúng nên người này ngay lập tức “chi tiền” để nâng và căng mũi ở một tiệm spa. Một tháng sau khi can thiệp, cô nàng vẫn cảm thấy đầu mũi thấp và chưa thể giúp mình “đổi vận” nên đến tiêm tiếp 1ml filler vào đầu mũi và vùng sống mũi.
Chỉ sau 1 ngày tiêm chất làm đầy, các vùng tiêm xuất hiện biến chứng đỏ da dẫn đến sưng nề. Mặc dù nhân viên tại spa này đã tiến hành tiêm chất điện giải nhưng vẫn không có hiệu quả. Sau đó, bệnh nhân phải đến bệnh viện Da liễu Trung ương vì tình trạng đỏ và sưng mũi quá nặng nề.
Đến viện, các bác sĩ phải chỉ định bệnh nhân dùng các hoạt chất chống viêm và kháng sinh để giảm nguy cơ hoại tử, sau đó tiếp tục sử dụng chất điện giải HA để giảm tình trạng kích ứng.
ThS. Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, cho biết: Có rất nhiều bệnh nhân phải đến viện cầu cứu bác sĩ sau khi tiến hành các chất làm đầy hoặc tiêm các chất được quảng cáo rầm rộ là collagen vì muốn thay đổi vận mệnh, phong thủy tài lộc của mình.
Hầu hết lý do khi tiêm filler nhằm “đổi vận” đều ở các vị trí có nguy cơ xâm lấn cao như mạch máu hoặc có mạch thần kinh đi qua nên nếu tiêm tại nơi có kỹ năng không tốt hay không thật sự hiểu về giải phẫu cấu trúc có thể gây hậu họa khôn lường.
Nhiều người thường nghĩ đơn giản rằng thủ thuật tiêm filler là đơn giản, ít biến chứng và rủi ro. Tuy nhiên, nếu thực hiện kỹ thuật này tại các địa chỉ “rởm”, hoặc nhân viên được đào tạo chưa đến nơi đến chốn sẽ gây ra nguy cơ xâm nhập vào hoạt động của các mạch trung tâm võng mạc, thậm chí là vào mắt gây biến chứng nặng như hoạt tử hay mù mắt cực kỳ nguy hiểm.
Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo đến từ các bác sĩ, chuyên gia uy tín nhưng các bác sĩ da liễu, thẩm mỹ làm đầy tại các cơ sở uy tín đã cố “lách” bằng cách dùng các từ ngữ truyền thông khác để “né” bị soi mói như: Họ hạn chế sử dụng các từ ngữ nhạy cảm như tiêm filler hay chất làm đầy thay vào đó sử dụng bằng những từ ngữ là “hoạt chất collagen”, “hoạt chất tăng sinh collagen”…
Theo các bác sĩ chuyên khoa thì việc sử dụng một lượng lớn chất collagen để làm đầy toàn bộ khu vực là rất khó khăn. Hơn nữa, khi sử dụng các hoạt chất collagen vào cơ thể rất có thể sẽ xảy ra những phản ứng vô cùng nguy hiểm đến cơ thể của bệnh nhân như dị ứng hoặc các phản ứng miễn dịch nguy hiểm khác.
Bên cạnh đó, do đa số các chất được quảng cáo rầm rộ này đều có vai trò kích thích tăng sinh collagen, nên căn bản chúng đều sẽ tham gia vào quá trình làm đầy.
Những lời “đường mật” và “rót mật vào tai” tại các cơ sở làm đẹp quảng cáo đã giới thiệu các chấy này có công dụng “thần thánh” như là chất chống lão hóa, là chất collagen đem đến khả năng tái sinh đa tầng và hứa hẹn làm đầy mà không sử dụng filler nhằm hút khách và tạo sự an tâm cho khách hàng.
Nếu không cẩn trọng trước những chiêu trò quảng cáo từ những chất gọi là collagen đến từ các cơ sở không rõ nguồn gốc, thiếu uy tín thì rất có thể các bệnh nhân sẽ “ngậm trái đắng” vì bị sưng mề, mẩn đỏ, ngậm nước do chất làm đầy. Hơn thế, có thể bạn sẽ rước họa vào thân hoặc trả giá “đắt” trước hết là sức khỏe, sau có thể là đánh đổi cả tính mạng.
Nguồn: Tổng hợp