SKĐS – Rối loạn tiền đình nếu không được điều trị đúng cách có thể khiến bệnh tình nặng hơn, thậm chí dẫn tới biến chứng nguy hiểm và gây lãng phí tiền bạc.
Rối loạn tiền đình (vestibular disorders) là tình trạng bệnh gây mất thăng bằng tư thế do tổn thương liên quan đến hệ thống tiền đình.
Rối loạn tiền đình được chia thành 2 loại: rối loạn tiền đình ngoại biên (chiếm khoảng 90-95%) và rối loạn tiền đình trung ương (chiếm khoảng 5-10%).
1. Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình không phải là bệnh lý nguyên phát, đây là hậu quả của nhiều loại bệnh. Nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình gồm có:
- Thiếu máu não gây ra tình trạng lượng máu cung cấp cho cơ quan tiền đình bị giảm
- Người bị tổn thương dây thần kinh tiền đình ốc tai – dây số 8 gây ra các tình trạng u dây thần kinh số 8, viêm dây thần kinh số 8 do virus…
- Bị tổn thương tai trong với các bệnh lý viêm tai giữa do vi khuẩn hoặc virus, viêm tai trong, Meniere, nhiễm độc tai do thuốc…
- Người có bất thường về mạch máu não, u não hoặc sau khi bị đột quỵ
- Người có các bệnh lý nền: tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận mạn, suy tuyến giáp…
2. Triệu chứng rối loạn tiền đình
Tùy vào từng giai đoạn bệnh, rối loạn tiền đình có thể có những biểu hiện khác nhau. Một số biểu hiện thường gặp là:
- Rối loạn tiền đình ngoại biên thường gây ra các biểu hiện: chóng mặt (có thể gặp các cơn chóng mặt thoáng qua), hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, mất thăng bằng, đứng không vững, ù tai…
- Trường hợp nặng người bệnh có thể gặp các cơn chóng mặt kéo dài, thính lực suy giảm, nôn mửa, giảm tập trung, vã mồ hôi, giảm nhịp tim, khi đứng gặp khó khăn hoặc dễ té ngã.
- Người mắc rối loạn tiền đình trung ương sẽ có các biểu hiện: đi đứng khó khăn, dáng đi giống người say rượu, chóng mặt, nôn mửa, thính lực giảm, gặp khó khăn khi phối hợp các động tác.
3. Rối loạn tiền đình có lây không?
Rối loạn tiền đình không phải là bệnh lây nhiễm.
4. Cách phòng ngừa rối loạn tiền đình
Áp lực công việc, ăn uống không khoa học, căng thẳng, stress đang khiến nhiều người mắc rối loạn tiền đình hơn. Mọi người có thể thực hiện những cách sau để phòng ngừa rối loạn tiền đình:
- Không dùng chất kích thích: rượu bia, thuốc lá, cà phê… vì có thể gây ra tình trạng mất nước, co thắt mạch máu làm cho tình trạng rối loạn tiền đình nặng hơn.
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên với cường độ hợp lý, có thể ưu tiên một số bài tập/động tác giúp tăng cường tuần hoàn máu.
- Hạn chế những căng thẳng, stress trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, trong công việc. Không thức khuya, không làm việc kiệt sức, đảm bảo ngủ từ 6-8 tiếng mỗi ngày. Bạn có thể lựa chọn một số bộ môn như thiền, yoga, nghe nhạc nhẹ… để giảm căng thẳng, giúp cơ thể thư giãn.
- Uống đủ nước nhằm ổn định chất lỏng trong cơ thể, giúp ngăn ngừa dấu hiệu chóng mặt do mất nước.
- Có chế độ ăn khoa học, đầy đủ dinh dưỡng. Bạn nên lựa chọn các thực phẩm tốt cho não để bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày như: Omega-3, vitamin B, các loại rau có màu xanh đậm, các loại hạt, ngũ cốc, sữa, cá thu, nấm, trứng… Hạn chế đồ ăn nhiều muối, đường, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ…
5. Điều trị rối loạn tiền đình
Việc điều trị rối loạn tiền đình cần có sự giám sát, chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa về thần kinh tại các cơ sở y tế uy tín. Rối loạn tiền đình nếu không được điều trị đúng cách có thể khiến bệnh tình nặng hơn và gây lãng phí tiền bạc.
Sau khi thăm khám lâm sàng kết hợp các triệu chứng người bệnh gặp phải các bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm như: chụp MRI, cột sống cổ, CT Scanner, đo lưu huyết não, xét nghiệm khu trú hệ thần kinh…
Điều trị rối loạn tiền đình được chia theo các nhóm:
- Điều trị nguyên nhân: Sử dụng các loại thuốc tăng tuần hoàn não, tăng tuần hoàn tai trong, thuốc chống viêm dây thần kinh số 8 do virus hoặc phẫu thuật nhằm giải quyết nguyên nhân gây tổn thương tai trong, tổn thương não, u dây thần kinh số 8…
- Điều trị triệu chứng: Sử dụng các thuốc giúp giảm chóng mặt, thuốc an thần nhẹ, thuốc chống nôn, thuốc bổ thần kinh…
- Phục hồi chức năng tiền đình qua các bài tập nhằm tăng cường hoạt động phối hợp giữa các bộ phận của cơ thể. Từ đó não có thể nhận biết tín hiệu và xử lý từ tiền đình nhịp nhàng, thông suốt hơn.
- Duy trì các thói quen tốt như kiểm soát căng thẳng; tập thể dục thường xuyên, giúp tuần hoàn máu não ổn định hơn; tăng cường lưu thông khí huyết; bổ sung nhiều rau củ hoa quả vào thực đơn hàng ngày; hạn chế đồ ăn nhiều gia vị, dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn.