Say rượu, anh Trường, 40 tuổi, húp vội bát canh để trên bàn, vài tiếng sau đau bụng, tiêu chảy, vã mồ hôi, phải nhập viện.
Anh Trường là con một, sống ở huyện Thường Tín. Bố anh là trưởng họ nên từ 30 đến mùng 4 Tết, mỗi ngày gia đình nấu 3-4 mâm cỗ để thắp hương bàn thờ họ và bàn thờ gia tiên. Theo phong tục, mâm cỗ cúng để trên bàn thờ trong khoảng hai tiếng. Đến khi hạ mâm xuống, đồ ăn đều nguội ngắt, váng mỡ đông cứng, cơm khô róc.
“Cúng xong, mẹ chồng cất mâm cơm mới và lấy lại đồ ăn từ mâm cúng trước trong tủ lạnh, đun nóng lại để không lãng phí”, chị Hương, vợ anh Trường, kể. Do đó, suốt một tuần Tết, cả nhà chỉ ăn thức ăn cũ. Các món ăn liên tục lặp lại như canh măng, bánh chưng, thịt gà luộc, xôi. Nhiều lần anh Trường nhắc nhở nhưng bố mẹ anh quan niệm mấy chục năm gia đình đều ăn uống như hiện tại, “sức khỏe vẫn tốt, thậm chí dẻo dai hơn người cùng tuổi”.
Bữa cơm tất niên năm ngoái, anh say rượu và ăn lại bát canh nấu từ hôm trước do con trai dọn dẹp nhưng quên cất vào tủ lạnh. Kết quả người đàn ông bị ngộ độc, nôn mửa, tiêu chảy, vã mồ hôi, nhập Bệnh viện Ngọc Hồi cấp cứu. “May vẫn kịp xuất viện vào đêm 30 để về nhà trước giao thừa”, anh Trường nhớ lại.
Cũng cảnh phải thường xuyên tiêu thụ “cơm thừa, cỗ nguội”, chị Trang, 40 tuổi, nhiều lần không muốn về nhà bố mẹ đẻ ăn Tết. Vốn tiết kiệm, mẹ chị hay tái sử dụng đồ ăn cũ như thịt gà, măng, miến từ nhiều hôm trước nấu lại. Ngoài ra, thực phẩm như thịt gà, lợn, cá được người thân ở quê gửi ra Hà Nội biếu không được bảo quản cẩn thận nên thường bị nhớt, thiu, đậm mùi.
“Bố mẹ tôi tiếc thức ăn nên lấy ra chế biến, người ăn thì bị đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa”, chị nói.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Bộ môn Nội tổng hợp, Đại học Y Hà Nội, nói rằng Tết là kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm và cũng là lúc mọi người sum vầy bên gia đình nên dễ chủ quan sức khỏe, ăn uống không khoa học. Dùng quá nhiều thức ăn gây hại sức khỏe hoặc ăn món không đảm bảo vệ sinh làm tăng nguy cơ bệnh tật. Các món ăn khi đun nấu lại thường mất chất dinh dưỡng, nhiều thực phẩm còn dễ gây ngộ độc do nhiễm khuẩn.
Một số món chiên xào khi nấu lại thường bị khô, hao hụt dinh dưỡng, ngấm thêm nhiều dầu mỡ. Cơm trắng hâm lại thường khó nuốt, do cứng, khô. Để đồ ăn qua ngày có nguy cơ nấm mốc, ôi thiu.
Các món canh, súp, rau cũng không nên để qua đêm hay đun nấu lại nhiều lần, không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là những người có bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, gout, bệnh thận, thừa cân hoặc béo phì…
Đồ ăn đun lại nhiều lần thường mặn, gây hại cho người bệnh thận, gây phù, tăng huyết áp và ảnh hưởng chức năng thận, khiến bệnh tiến triển xấu hơn do phải làm việc nhiều hơn. Ăn mặn không tốt với cả những người bị suy tim, tăng huyết áp, xơ gan. Bạn cũng nên hạn chế thực phẩm có nhiều muối như dưa cà muối, đồ hải sản khô, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh…
Tương tự, phó giáo sư, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết mọi người nên ăn đúng bữa, hạn chế đun nấu nhiều lần. Ăn thêm rau xanh, trái cây tươi, sữa chua giảm tình trạng đầy bụng, khó tiêu do phải tiêu thụ quá nhiều thức ăn chứa nhiều dầu mỡ trong dịp tết.
Chỉ nên ăn no đến 80%, cân đối ba chất sinh năng lượng là bột đường, chất đạm, chất béo. Chất bột đường cần bổ sung 50-60%, nên lựa chọn từ các thực phẩm rau củ quả, ngoài ra là bánh mì nâu, gạo lứt, khoai… với số lượng được khuyến cáo.
Lựa chọn món ăn vặt như trái cây tươi ít ngọt, trái cây sấy khô ít đường, hạt (hạnh nhân, bí, óc chó, điều, hướng dương…) thay thế bánh mứt, kẹo ngọt. Giảm ăn các món muối mặn như dưa chua, cà muối…
Hạn chế rượu bia, làm tăng nguy cơ đối với các bệnh tim mạch, gout, tăng huyết áp, đái tháo đường…
Những người thừa cân, béo phì, rối loạn glucose máu, đái tháo đường nên lưu ý hạn chế các loại quả chín ngọt và nhiều năng lượng như chuối, xoài, mít, vải…T.H (theo VnExpress)