Nhằm xóa bỏ triệt để tình trạng bắt ép học sinh tham gia các lớp học thêm do chính thầy cô giáo đứng lớp chính khóa giảng dạy, nhiều quy định mới được bàn hành để siết chặt công tác quản lý vấn đề này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định mới về dạy thêm học thêm tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 14/2/2025. Thông tư mới ban hành đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của các bậc phụ huynh.
Qua đó có nhiều ý kiến cho rằng, thông tư đã có những quy định rất cụ thể, rõ ràng để cơ sở giáo dục, giáo viên thực hiện và đúng với tinh thần chỉ cấm những hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm học thêm chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.
Ảnh minh họa.
Một số điều kiện giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường từ 2/2025
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh từ ngày 14/2/2025 phải thực hiện các yêu cầu sau:
Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về: các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Như vậy, từ ngày 14/2/2025, khi Thông tư 29 có hiệu lực thi hành, nếu giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh bắt buộc phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Tùy theo hình thức quy mô dạy thêm mà việc dạy thêm có thể lựa chọn đăng ký kinh doanh một trong các hình thức: đăng ký thành lập công ty hoặc đăng ký hộ kinh doanh cá thể.
Không đăng ký kinh doanh dạy thêm bị phạt thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, áp dụng mức phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hộ kinh doanh không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Đồng thời, với mức phạt tiền trên cũng sẽ áp dụng với các hành vi sau đây:
Cá nhân, các thành viên hộ gia đình đăng ký kinh doanh nhiều hơn một hộ kinh doanh;
Không được quyền thành lập hộ kinh doanh nhưng vẫn thành lập hộ kinh doanh;
Không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
Như vậy, nếu dạy thêm theo hình thức hộ kinh doanh không đăng ký thành lập hộ kinh doanh sẽ bị phạt 5 – 10 triệu đồng đối với cá nhân; tổ chức bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng.
Đáng chú ý, trường hợp hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng đối với tổ chức; cá nhân bị phạt từ 25 – 50 triệu đồng.
Trúc Chi (t/h Lao Động, VTC News)