Như các bạn đã biết, thời gian vừa qua, có rất nhiều các chiêu trò lừa đảo tinh vi được các đối tượng lừa đảo lợi dụng để “kiếm trác” từ những “con mồi” thiếu hiểu biết. Nhất là từ khi khoa học – công nghệ thời đại 4.0 phát triển cho phép chúng ta làm nhiều hơn mọi thứ dù cho với một khoảng cách rất xa.
Các chiêu trò lừa đảo phổ biến có thể bạn đã biết như: Giả danh là cơ quan chức năng để gọi điện thông báo điều tra, nhận quà từ người bạn nước ngoài, hack Facebook để vay mượn tiền, thông báo người bị hại được nhận phần thưởng giá trị lớn hay gửi link chứa mã độc để đánh cắp thông tin ngân hàng, chuyển nhần tiền vào tài khoản ngân hàng, kêu gọi đầu tư sàn tài chính ảo…
Vậy, nếu chẳng may là nạn nhân xấu số bị vướng vào các vụ việc lừa đảo tinh vi như trên đây chúng ta cần xử trí ra sao? Hay cần làm thế nào để phòng tránh những điều đáng tiếc có thể xảy đến khi trở thành nạn nhân bị những tay lừa đảo chuyên nghiệp nhắm tới. Đừng lo, các bạn hãy thực hiện những điều sau đây để tránh ngay khỏi bọn lừa đảo và tránh bị mất tiền oan.
Các biện pháp hiệu quả để phòng tránh bị lừa đảo và mất tiền
- Cố gắng thật cẩn trọng với các SĐT lạ, nhất là các SĐT có đầu số nước ngoài gọi điện tới.
- Bạn tuyệt đối không được cung cấp thông tin cá nhân của bản thân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và họ đang cần thông tin của bạn nhằm mục đích cụ thể là gì.
- Cần giữ bí mật tuyệt đối về tất cả các thông tin cá nhân, SĐT, thông tin về tài khoản ngân hàng…cho dù người nào gọi điện đến cũng không được cung cấp.
- Không truy cập các link hoặc liên kết lạ trong tin nhắn hay không cố làm theo các thao tác trên điện thoại theo hướng dẫn của người lạ mà không biết đó là ai.
- Tuyệt đối không mua, bán hoặc cho mượn các giấy tờ tùy thân của bản thân như CMT/CCCD, tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng hay các loại thẻ tín dụng khác được cấp, phát bởi ngân hàng.
- Nếu được nhận tin nhắn, cuộc gọi vay tiền từ bạn bè, người thân thì bạn cần liên hệ lại họ để xác minh lại xem có đúng đó là người thân bạn bè của mình hay không. Nếu sau khi họ xác minh là đúng và không có bất kỳ dấu hiệu đáng ngờ nào mới thực hiện chuyển tiền cho người thân. Trong trường hợp bạn liên lạc nhưng đối tượng đó không nghe máy hoặc viện cớ không tiện nói chuyện thì kiên quyết không tiến hành chuyển tiền để tránh bị mất tiền oan.
- Chắc chắn không thực hiện các hành vi chuyển khoản, nộp tiền cho bất kỳ các cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ danh tính của họ là ai. Đặc biệt là các mã quan trọng như OTP, số CCCD/CMT, ngày sinh, số điện thoại, tài khoản ngân hàng…hay các thông tin khác trên không gian mạng.
- Đối với các chiêu trò như nhận thưởng hoặc yêu cầu nạp thẻ nhận thưởng, chuyển tiền phí qua ngân hàng để nhận giải thưởng…thì tuyệt đối không được tin và làm theo.
- Nếu tài khoản cá nhân của bạn xuất hiện một số tiền đáng ngờ và bị nhắn tin hoặc gọi điện đến với nội dung là “chuyển nhầm” hãy liên lạc với ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để nhanh chóng làm rõ vấn đề. Tuyệt đối không nên sử dụng hoặc cố tình sử dụng số tiền đó một cách phi pháp.
- Giữ đầu óc tỉnh táo, không tin vào những chiêu trò dụ dỗ, lôi kéo vào đầu tư tại các sàn giao dịch tiền ảo, sàn ngoại hối, chứng khoán…không rõ nguồn gốc để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cá nhân của chính mình.
Nếu bị lừa rồi thì làm thế nào để đòi lại tiền?
Nếu chẳng may trở thành nạn nhân bị các đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tiền bạc thì bạn sẽ rất khó khăn để tự đòi lại tiền bạc từ các đối tượng lừa đảo gian trá.
Tuy nhiên, các bạn cũng đừng quá lo lắng mà hãy giữ tâm thế bình tĩnh đến các cơ quan chức năng như Công an nơi cư trú (hoặc thường trú, tạm trú), tố giác hành vi lừa đảo của các đối tượng xấu để được giải quyết thỏa đáng. Trong quá trình thực hiện đơn tố giác gửi đến cơ quan chức năng, người bị hại cần chuẩn bị một số giấy tờ như sau:
- Đơn trình báo công an;
- Cung cấp CCCD/CMT của người bị hại (bản sao công chứng);
- Chuẩn bị các chứng cứ kèm theo (nếu có) như video, hình ảnh, file âm thanh có chứa hành vi phạm tội…
Ngay sau khi chuẩn bị xong các giấy tờ trên, người bị hại đem đến cơ quan Công an để tố cáo và đừng quên mang theo các giấy tờ nhân thân cần thiết để được cơ quan có chức năng tiếp nhận thông tin.
Bên cạnh đó, hiện nay bạn cũng có thể gọi điện thoại đến đường dây nóng của cơ quan Công an để thông tin, trình báo lừa đảo với cơ quan chức năng. Họ cũng sẽ tiếp nhận tố giác và tiến hành xác minh, điều tra để làm rõ vụ việc, tìm cách trả tiền cho người bị hại…
Những kẻ lừa đảo sẽ bị pháp luật xử trí như thế nào?
Các hành vi hòng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác đều sẽ chịu xử lý nghiêm khắc của pháp luật. Trong đó, luật pháp nước ta có quy định những mức xử lý cụ thể như sau:
- Khi chiếm đoạt tài sản dưới 02 triệu và không thuộc một trong các trường hợp đặc biệt, người thực hiện hành vi lừa đảo sẽ bị phạt hành chính. Số tiền phạt tùy hành vi sẽ bị xử ở các mức khác nhau, thông thường từ 01 – 02 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
- Đối với, các trường hợp xử lý hình sự, người thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Nếu vi phạm ở mức độ này cũng như căn cứ vào các tình tiết liên quan, người thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng có thể bị áp dụng mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc thậm chí là tù chung thân.
Nguồn: Tổng hợp