Trong dân gian thường lưu truyền về nước lá tía tô có rất nhiều công dụng tốt, giúp hỗ trợ cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, tía tô là một vị thuốc nam, do đó cần sử dụng đúng cách.
1. Tính vị quy kinh của tía tô
Tía tô có tên khoa học là Herba Perillae, thuộc họ Hoa môi.
Tía tô là dạng cây thân thảo, chiều cao trung bình từ 0,5 – 1m. Thân cây màu tím đậm. Lá tía tô mọc đối xứng, mép có răng cưa đều nhau. Bên trên mặt lá có màu xanh, phía dưới lá có màu tím tía, một số lá tía tô có cả mặt trên và mặt dưới lá đều có màu tím hoặc xanh.
Bộ phận dùng làm thuốc:
+ Lá tía tô (Folium Perillae): Vị cay, tính ôn; vào kinh phế, tỳ. Có tác dụng tán hàn (trừ lạnh), giải biểu (làm ra mồ hôi), hành khí, an thai, giải độc cá cua.
+ Hạt tía tô gọi là tô tử (Semen Perillae): Vị cay, tính ôn; vào kinh phế; có tác dụng hạ khí, trừ đờm, giảm ho.
+ Cành tía tô gọi là tô ngạnh (Caulis Perillae), có tác dụng lý khí (điều trị khí nghịch hoặc khí trệ).
Tía tô có vị cay, tính ấm. Quy kinh phế, tỳ. Thuộc nhóm thuốc phát tán phong hàn – tân ôn giải biểu.
2. Tác dụng của tía tô
Tía tô có thể dùng trong các trường hợp sau:
- Cảm mạo phong hàn: Với các triệu chứng như sợ lạnh, sốt nhẹ, đau đầu, đau mình mẩy, ngạt mũi, chảy nước mũi, khản tiếng…
- Chữa ho, lom đờm.
- Giải độc do ngộ độc cua cá.
- Chữa viêm tuyến vú.
Liều dùng: 6-12g.
3. Không sử dụng tía tô kéo dài
Mặc dù, tía tô có rất nhiều công dụng tốt để chữa bệnh, tuy nhiên, dưới góc nhìn của Đông y, không nên dùng tía tô trong thời gian dài. Vì tía tô có thể khiến các tình trạng sau trở nặng hơn: Ra nhiều mồ hôi, ra nhiều mồ hôi trộm, đại tiện lỏng… dẫn đến rối loạn điện giải trong cơ thể.
Bên cạnh đó, trong lá tía tô có chứa nhiều acid oxalic. Nếu dùng nhiều cơ thể sẽ tích tụ acid oxalic gây suy thận, sỏi thận.
4. Những trường hợp không nên dùng tía tô
Mặc dù tía tô rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên những trường hợp sau không nên dùng tía tô:
– Người đang bị rối loạn đường tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng: Những người đang gặp các tình trạng này mà dùng tía tô có thể khiến tình trạng bệnh trở nặng. Do lá tía tô có tác dụng kích thích nhu động ruột, hành khí ở trung tiêu.
Hơn nữa, việc đi ngoài kéo dài, có thể gây mất cân bằng điện giải trong cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì thế, cần thận trọng trước khi sử dụng lá tía tô. Cần khai thác kĩ bệnh sử, tiền sử của người sử dụng trước khi dùng lá tía tô để chữa bệnh.
– Sau khi dùng tía tô, cơ thể ra mồ hôi liên tục không ngưng: Những người gặp trường hợp này dù đã ở nơi thoáng mát, thì cần dừng sử dụng tía tô ngay.
Tía tô thuộc nhóm thuốc giải biểu, giúp cơ thể ra mồ hôi để trị bệnh, đưa tà khí – nguyên nhân gây bệnh, ra ngoài cơ thể bằng con đường mồ hôi, giúp bệnh không đi sâu vào trong cơ thể hay gọi cách khác là vào trong lý.
Theo sinh lý bình thường, cơ thể sẽ ra mồ hôi sau đó ngưng, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn, bệnh dần dần lui. Nhưng nếu dùng tía tô mà ra mồ hôi không ngừng, cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, chuột rút… thì nên dừng uống nước lá tía tô lại, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám kịp thời.
– Phụ nữ sau khi sinh đẻ: Cơ thể phụ nữ sau sinh, khí huyết hao tổn, hơn nữa, vị tía tô nói riêng và các vị thuốc nhóm giải biểu nói chung sẽ gây thương huyết. Với người khí huyết kém, dùng tía tô lại càng khiến cơ thể bạc nhược. Vì vậy phụ nữ mới sinh đẻ xong không nên sử dụng tía tô.