Sâm cau là một vị thuốc có tác dụng ôn bổ thận khí, tráng dương, ôn trung, thường dùng chữa nam giới thận dương hư suy, phụ nữ tử cung lạnh, người cao tuổi bị tiểu đêm…
1. Tác dụng của sâm cau
Sâm cau là loại cây thảo, sống lâu năm, cây thường mọc hoang trên các đồi cỏ ven rừng núi ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam. Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ có tên dược liệu là tiên mao, thu hái quanh năm.
Theo Đông y, sâm cau có vị cay, tính ấm, hơi có độc, vào kinh thận. Tác dụng ôn bổ thận khí, tráng dương, ôn trung, táo thấp, tán ứ, trừ hàn thấp, mạnh gân cốt, điều hòa tiêu hóa.
Trong Đông y thường dùng chữa nam giới thận dương hư suy, số lượng tinh ít, liệt dương, khí lực giảm, tay chân yếu mỏi, bệnh suyễn, viêm gan vàng da; phụ nữ tử cung lạnh, khí hư bạch đới, tiểu đục, loãng xương sau mãn kinh; người cao tuổi thường bị tiểu đêm, tiểu són, lạnh bụng, lưng gối lạnh đau, phong thấp, viêm khớp mạn tính, vận động khó khăn, suy nhược thần kinh.
Liều dùng: Ngày dùng 10 – 15g (thuốc sắc, viên hoàn).
2. Một số món ăn và bài thuốc từ sâm cau
2.1. Sâm cau hầm thịt lợn
Tác dụng: Bổ thận tráng dương cường sinh lực, chữa nam giới vô sinh do tinh dịch bất thường.
Chuẩn bị: 15g sâm cau, 200g thịt lợn, gia vị các loại vừa đủ theo nhu cầu.
Thực hiện: Thịt lợn đem rửa sạch, thái miếng vừa phải như kho, ướp gia vị để khoảng 15 – 20 phút cho ngấm đều. Sâm cau đem rửa sạch.
Tất cả cho vào nồi đất, cho lượng nước vừa đủ, hầm đến khi thịt lợn chín mềm hoặc theo nhu cầu. Nêm lại gia vị cho vừa ăn. Nên dùng món ăn này khi còn nóng.
2.2. Chữa nam giới tinh lạnh, liệt dương, phụ nữ tử cung lạnh:
Thành phần: Sâm cau 6g, thục địa 8g, ba kích 8g, phá cố chỉ 8g, hồ đào nhục 8g, hồi hương 4g.
Sắc uống 1 thang/ngày. Chia 2-3 lần uống. Uống liên tục 15 – 20 thang.
2.3. Chữa hen, tiêu chảy:
Thành phần: Rễ sâm cau phơi khô, xắt lát mỏng, nhỏ, sao vàng.
Cách thực hiện: Dùng 12 – 16g, nấu với 250ml nước, sắc còn 50ml, uống một lần trong ngày, trước bữa ăn. Uống duy trì 3 – 5 ngày.
2.4. Chữa tê thấp, đau nhức toàn thân:
Thành phần: Rễ sâm cau, hà thủ ô đỏ (thường chế với đậu đen để giảm vị chát của hà thủ ô cũng như tăng tác dụng bổ thận của vị thuốc), hy thiêm thảo (cỏ đĩ), mỗi thứ 20g.
Cách thực hiện: Các dược liệu thái mỏng, nhỏ, ngâm với 500ml rượu trắng, trong 7 – 10 ngày (hoặc càng lâu càng tốt).
Ngày uống hai lần, mỗi lần 30ml, trước bữa ăn.
2.5. Chữa sốt xuất huyết:
Thành phần: Sâm cau 20g (sao đen), cỏ mực 12g, trắc bá diệp 10g (sao đen), chi tử 8g (sao đen).
Cách thực hiện: Sao đen các vị thuốc lên sau đó cho nước ngập thuốc sắc lên. Ngày 1 thang, uống 3-5 ngày.
3. Lưu ý khi sử dụng sâm cau rừng
- Người có thể âm suy kèm vượng hỏa tránh dùng. Biểu hiện nhận diện của tình trạng này là miệng khô, háo nước, táo bón, nhức đầu…
- Sơ chế dược liệu đúng cách trước khi dùng để loại bỏ bớt độc tố có hại.
- Trẻ em, phụ nữ có thai không nên dùng sâm cau rừng ngâm rượu.
- Sâm cau rừng có tính nóng nên người mắc bệnh gan nên thận trọng khi dùng.