Luật Xử lý vi phạm hành chính nêu rõ, tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và phải được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra từ 26-28/3.
Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất, Chính phủ đã bỏ đề xuất lực lượng cảnh sát giao thông được trích tối thiểu 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Đây là dự thảo sẽ được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ diễn ra từ 26 đến 28/3, để thảo luận một số dự án luật sẽ trình tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Trước đó, tại khoản 1 điều 5 của dự thảo luật trình phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất quy định lực lượng CSGT được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước và không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật.
Thảo luận tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết đây là đề xuất mới tại dự thảo, nếu bổ sung như vậy, Chính phủ phải có báo cáo đánh giá tác động, làm rõ tác động đến ngân sách nhà nước, sự phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ, vấn đề xử phạt vi phạm hành chính là một nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, luật quy định tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và phải được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Theo ông Tùng, việc đầu tư cho lực lượng cảnh sát giao thông, cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là cần thiết. Nhưng đầu tư theo cách trích từ tổng số tiền thu được trong lĩnh vực này hay ngân sách nhà nước bố trí theo quy định chung thì cần làm rất rõ, rất rành mạch và phải bảo đảm sự thống nhất. Nếu quy định như dự thảo là không thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Mặt khác, có rất nhiều lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, tại sao mỗi lĩnh vực này quy định trích % còn các lĩnh vực khác thì không, trong khi cũng có rất nhiều lĩnh vực quan trọng. “Chúng tôi đề nghị nên thiết kế nguyên tắc chung về chính sách như dự thảo luật mà Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 6”, ông Tùng nêu quan điểm.
Quy định việc trích 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật, theo ông Tùng cũng là quy định mới so với dự thảo Chính phủ trình tại kỳ họp 6. Đồng thời, mới so với nghị quyết 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe và cũng không phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định toàn bộ số tiền xử lý tài sản công (biển số xe là tài sản công) được nộp vào tài khoản tạm giữ tại kho bạc nhà nước; sau khi trừ đi chi phí có liên quan đến xử lý tài sản, phần còn lại phải được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.
Ông Tùng cho hay bản thân điều 37 của dự Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ về đấu giá biển số xe cũng quy định khác. Cụ thể, quy định số tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá, chi phí quảng cáo, chi phí quản trị hệ thống đấu giá và chi phí khác được nộp vào ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Vẫn theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, nếu đưa chính sách trích lại 30% vào cũng không thống nhất trong nội dung tại dự thảo, không thống nhất với chính sách chung và các luật có liên quan. Đề nghị giải trình làm rõ thêm theo tinh thần nên giữ như dự thảo đã trình tại kỳ họp 6.
Trong báo cáo tiếp thu giải trình gửi phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng – An ninh (cơ quan thẩm tra dự án luật) cũng đã đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ hơn đối với đề xuất trên.
Tại dự thảo luật mới nhất, nội dung lực lượng cảnh sát giao thông được trích tối thiểu 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước đã không còn.
Hiện tại khoản 1 điều 5 dự thảo chỉ còn quy định huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024).
Nguyễn Lê