Kể từ (28.12), nhiều quy định về xử phạt các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm; phòng, chống bạo lực gia đình trong nghị định số 167/2013/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Theo đó, vợ chồng chửi nhau sẽ bị phạt tiền cao nhất là 1 triệu đồng.\
Nghị định 167/2013/NĐ-CP có rất nhiều quy định liên quan “sát sườn” đến cuộc sống gia đình nên ngay trước thời điểm chính thức có hiệu lực, nghị định này đã được dư luận “bàn ra, tán vào”.
Trên một diễn đàn dành cho phụ nữ, nhân dịp nói về nghị định 167/2013/NĐ-CP, nhiều chị em cũng hào hứng mang kinh nghiệm “trị” những ông chồng lắm lời ra chia sẻ.
Nickname iJulidengo chia sẻ: “Mình từng khuyên một cô bạn hay bị chồng bắt nạt với một câu rất gọn: Anh cứ tiếp tục đi em đang ghi âm. Tuyệt đối không đôi co lại. Anh chồng nghe xong thì hằm hằm bỏ đi. Câu nói đó giống như câu thần chú để stop (dừng) những từ ngữ xúc phạm mà không ai muốn nghe. Từ đó trở đi anh chồng cũng hết dám gây sự vô lý”.
Nickname Ololala có cùng quan điểm: “Luật chi tiết thế này bảo vệ cho khối người đấy. Nếu gặp ông chồng hay đánh đập thì còn chứng tích để kiện cáo. Nhưng nếu là ông trí thức, chuyện nói “mát mẻ”, không động tay động chân mà suốt ngày cứ chửi rủa, sỉ vả thì làm gì có chứng cứ. Không có luật này thì những lời chửi bới xúc phạm đâu có được tính là hành hạ”.
Đáng chú ý, dù trong nghị định ghi rõ phạt tiền từ 500.000 – 1 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên trong gia đình, tức là vợ lăng mạ chồng, chồng chì chiết vợ đều có thể bị xử phạt. Tuy nhiên, nhiều chị em cho rằng nghị định này phụ nữ được hưởng lợi nhiều hơn khiến các ông chồng phải lên tiếng.
Anh Hoàng Phan (Mỹ Đình, Hà Nội) bày tỏ: “Bây giờ, người phụ nữ hiện đại có rất nhiều đặc quyền. Trong gia đình, họ lấn lướt chồng là chuyện rất bình thường. Vợ càu nhàu mắng mỏ thì không sao, nhưng chồng chỉ cần nói vài lời là sẵn sàng bị quy đủ thứ tội. Tôi cũng sẽ dùng luật này để vợ thấy dù là đàn ông hay phụ nữ thì cũng cần biết tiết chế”.
Ai chui vào “gầm giường” xử phạt?
Trong khi đó, mặc dù hoan nghênh những quy định phòng, chống bạo lực gia đình trong nghị định 167/2013/NĐ-CP là rất cụ thể, nhưng nhiều người lại băn khoăn về tính khả thi của nó.
Anh Hoàng Quy (quận Tân Bình, TP.HCM) bày tỏ: “Quy định thì tốt, nhưng tôi thấy tính khả thi không cao. Bởi văn hoá Việt Nam, bố mẹ có mắng mỏ con cái, hay vợ chồng có xich mích như ông bà ta vẫn nói ‘bát đũa cũng có lúc xô lệch’ là chuyện cũng thường”.
Trên nhiều diễn đàn cũng thắc mắc, với những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình thường nhật, liệu cơ quan cấp thẩm quyền xử phạt có bắt quả tang hay chú trọng vào bằng chứng được cung cấp? Liệu lực lượng xử phạt sẽ có mặt kịp thời để ngăn cản cuộc xung đột “nảy lửa” trong nhà nhiều người.
Nhiều người lại cho rằng thay vì phạt tiền nên thay bằng phạt lao động công ích sẽ phù hợp hơn.
Chị Nguyễn Hồng Anh (Hà Nội) nói: “Sao không phạt lao động công ích, có ý nghĩa mà người bị phạt thấy ngượng còn biết sợ. Hơn nữa phạt tiền thì cũng ảnh hưởng người bị hại vì “của chồng, công vợ”, họ đã bỏ nhau đâu, kinh tế vẫn chung thế là hình thức phạt cả người bị hại”.
Mặc dù các cuộc tranh luận về nghị định 167/2013/NĐ-CP vẫn đang rất sôi nổi, nhưng đa phần ý kiến của dư luận đều nhận định những quy định phòng, chống bạo lực gia đình trong nghị định đều là công cụ pháp lý nhằm gia tăng sự tôn trọng, quyền bình đẳng, riêng tư của vợ/chồng và những thành viên trong gia đình, hướng đến mục đích cuối cùng là “giữ lửa” hạnh phúc cho các cuộc hôn nhân.
Theo thanhnien.vn