Đề xuất mới nhất sửa đổi cơ cấu biểu giá điện vừa được Bộ Công Thương đưa ra có những thay đổi theo hướng khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm, trong đó người càng dùng nhiều điện sẽ phải chịu giá điện cao hơn.
Trên cơ sở lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo lần 3 về sửa đổi quyết định 28 của Thủ tướng về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định cho ý kiến trước khi trình Chính phủ.
Với biểu giá điện dành cho hộ sinh hoạt, phương án 5 bậc thang vẫn được giữ nguyên như các đề xuất trước đây khi có tới hơn 92% ý kiến ủng hộ, song có sự nới rộng các bậc thang và thay đổi về cơ cấu tỉ trọng theo hướng tăng cao hơn.
98% hộ dùng điện sinh hoạt trả tiền ít hơn?
Theo đó, các hộ có mức sử dụng điện từ 710kWh trở xuống, chiếm tới 98% tỉ lệ các hộ hiện nay, sẽ có tiền điện phải trả giảm đi. Tuy nhiên, tiền điện cho các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711kWh/tháng trở lên (chiếm 2% số hộ) sẽ phải trả tăng thêm.
Cụ thể, giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0 – 100kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (đang chiếm 33,48% số hộ), sẽ có cơ cấu giá chỉ bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân.
Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện sẽ được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401 – 700kWh và trên 700kWh.
Với các bậc từ 101 – 200kWh và 201 – 300kWh sẽ được giữ nguyên. Tuy nhiên với các bậc từ 401 – 700kWh và từ 700kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp khi có cơ cấu giá tăng lên.
Cụ thể, từ 401 – 700kWh, cơ cấu giá điện sẽ được tính bằng 162% và từ 701kWh sẽ có cơ cấu giá là 180% so với mức giá bán lẻ điện bình quân (quy định cũ trước đây từ 401kWh trở lên có mức giá bằng 159%).
Dự thảo mới đưa ra cũng có một số thay đổi với một số nhóm khách hàng sử dụng điện. Cụ thể, với nhóm cơ sở lưu trú du lịch sẽ được áp dụng như mức giá điện của nhóm khách hàng sản xuất, tức là được hưởng mức giá thấp hơn.
Khách hàng đang mua điện ở cấp điện áp 220kV và 500kV phục vụ mục đích sản xuất, không sử dụng lưới điện phân phối sẽ được bổ sung vào nhóm khách hàng sử dụng điện từ cấp điện áp 220kV.
Giá điện cho nhóm này sẽ không bao gồm chi phí của khâu phân phối, bán lẻ điện. Dự thảo mới cũng bổ sung nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích trạm/trụ sạc xe điện.
Theo Bộ Công Thương, việc sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhằm phù hợp với tình hình mới, hỗ trợ phát triển du lịch nên sẽ điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú, du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất.
Giá điện sinh hoạt phải thấp hơn điện sản xuất
Ủng hộ hướng sửa đổi này, Bộ KH&ĐT cho rằng Chính phủ đang triển khai chính sách thúc đẩy tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.
Do vậy, việc thiết kế và lựa chọn phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cần phải tuân thủ quy định pháp luật về điện lực, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, từng bước loại bỏ phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp theo quy định, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Bộ KH&ĐT cũng đề nghị làm rõ hơn giải pháp để hạn chế tác động của việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện với các nhóm khách hàng. Trong đó có giải pháp truyền thông, tiết kiệm điện, đổi mới nâng cao hiệu suất thiết bị công nghệ, đặc biệt là các ngành sản xuất tiêu thụ nhiều điện năng.
Trong khi đó, theo Hội Điện lực VN, cơ cấu biểu giá điện cần phải đảm bảo giá điện sinh hoạt không cao hơn giá điện cho sản xuất và dịch vụ du lịch. Có nghĩa là không lấy giá điện sinh hoạt để bù giá cho giá điện sản xuất và dịch vụ.
Đồng thời, cần tính toán đưa phần chi phí sử dụng, tức là chi phí sử dụng công suất vào các bậc thang của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt như một số nước (Hàn Quốc) đang áp dụng.
Cùng quan điểm này, Tổng liên đoàn Lao động VN cho rằng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cần khắc phục tình trạng giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp.
Dẫn chứng là điện cho sản xuất có thời điểm bằng 52% giá bình quân, nhưng giá điện với hộ nghèo, hộ chính sách, ưu đãi lớn nhất cũng bằng 90% giá bình quân.
Cũng theo cơ quan này, cần khắc phục triệt để tình trạng bù chéo giá điện giữa các hộ tiêu dùng điện, khi còn có tình trạng hộ dùng nhiều bù cho hộ sử dụng ít, giá điện sinh hoạt vẫn đang phải bù chéo cho giá điện sản xuất, kinh doanh và giá điện giữa các vùng miền.
Nguồn: https://tuoitre.vn/de-xuat-dung-dien-cang-nhieu-gia-dien-cang-cao-2024032123395065.htm