Mẹo loại bỏ nấm mốc trong nhà sau những ngày mưa nồm ẩm

Trong những ngày mưa nồm ẩm, nấm mốc xuất hiện ở nhiều nơi trong nhà gây nhiều phiền toái và nguy hiểm. Do đó, chúng ta cần phải loại bỏ chúng để bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

Mẹo loại bỏ nấm mốc trong nhà sau những ngày mưa nồm ẩm

Xử lý nấm mốc trên tường. (Ảnh: iStock)

Nấm mốc trong tự nhiên có khả năng phân giải mạnh mẽ các hợp chất hữu cơ phức tạp, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo các vòng tuần hoàn vật chất trong tự nhiên.

Tuy nhiên, trong những ngày mưa nồm ẩm, nấm mốc xuất hiện ở nhiều nơi trong ngôi nhà mà chúng ta sinh sống, gây phiền toái, thậm chí nguy hiểm cho sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

Theo SCMP, nấm mốc thường phát triển trong điều kiện ấm áp, ẩm ướt – những nơi có hơi ẩm bị mắc kẹt trong không khí. Nấm mốc lây lan và sinh sản bằng cách tạo ra các bào tử, một thành phần phổ biến của bụi trong nhà ở và nơi làm việc.

Các bào tử nấm mốc hình thành với số lượng lớn sẽ dẫn tới các vấn đề như dị ứng, bệnh hô hấp và các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, đau khớp. Một số loại nấm mốc còn sản sinh độc tố mycotoxin ảnh hưởng đến sức khỏe con người và động vật.

Do đó, chúng ta cần biết được những khu vực nấm mốc tồn tại trong nhà để loại bỏ chúng, bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình

Tường nhà ẩm mốc

Có rất nhiều ngôi nhà gặp tình trạng này, đặc biệt là những ngôi nhà ống trong ngõ hẻm, khi các vách tường của hai ngôi nhà xây cạnh nhau có thể trở thành “túi nước” mỗi khi trời mưa và chúng ngấm vào tường trong thời gian dài.

Một số ngôi nhà khác bị ẩm mốc do quá trình xây dựng thi công kém kỹ thuật, trộn vữa không đúng tỷ lệ, không có chống thấm.

Trong điều kiện thời tiết nồm ẩm của miền Bắc, tình trạng này càng thêm nghiêm trọng, khiến những người mẫn cảm về hô hấp bị ảnh hưởng sức khỏe.

Để tẩy nấm mốc trên tường, bạn có thể sử dụng một trong các dung dịch sau: cồn khử trùng, giấm và baking soda, chanh tươi, thuốc tẩy javel… chà lên vị trí nấm mốc và để nguyên 20-30 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch

Nếu khu vực bị mốc rộng lớn hơn, bạn cần gọi nhân viên chuyên nghiệp. Họ sẽ xử lý nấm mốc và sơn chống thấm để ngăn ngừa chúng quay trở lại.

Nấm mốc bên trong hệ thống HVAC

Hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí, gọi tắt là HVAC, là khu vực mà nấm mốc có thể ẩn náu.

Máy điều hòa sau một quá trình dài sử dụng nhưng không được vệ sinh thường xuyên khiến các bụi bẩn, chất thải tích tụ ở dàn lạnh và lưới lọc, tạo thành những ổ vi khuẩn, gặp thời tiết nồm phát triển thành nấm mốc.

Khi bạn bật điều hòa, mùi ẩm mốc được thổi ra theo luồng gió, mang đến mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của gia đình bạn.

Ngay khi phát hiện nấm mốc trong máy điều hòa, bạn nên tạm dừng sử dụng thiết bị và xử lý chúng càng sớm càng tốt.

 Bảo dưỡng và làm sạch hệ thống HVAC định kỳ, thường xuyên để ngăn ngừa nấm mốc. (Ảnh: iStock)

Bảo dưỡng và làm sạch hệ thống HVAC định kỳ, thường xuyên để ngăn ngừa nấm mốc. (Ảnh: iStock)

Nếu nấm mốc chỉ mới xuất hiện ở phần lưới lọc, hãy tháo nó ra, dùng một bàn chải lông mềm để làm sạch bụi bẩn, nấm mốc bám trên lưới lọc này.

Tiếp đó, ngâm lưới lọc vào dung dịch tẩy rửa và nước theo tỷ lệ 1:10 trong khoảng 10 phút rồi rửa sạch với nước. Cuối cùng để khô ráo hoàn toàn rồi lắp lại vị trí cũ. Lưu ý trước khi lắp lưới lọc, nên làm sạch bề mặt bên ngoài dàn lạnh để loại bỏ nấm mốc còn sót lại.

Nếu máy điều hòa treo tường đã có lượng lớn nấm mốc hình thành, nằm sâu và rải rác trong nhiều linh kiện thì bạn buộc phải gọi dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp đến xử lý.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa nấm mốc trong HVAC là bạn cần thực hiện chế độ bảo dưỡng và làm sạch hệ thống định kỳ, thường xuyên.

Nấm mốc trên quần áo

Trong mùa nồm, quần áo của bạn dù treo trong tủ cũng vẫn có cảm giác ẩm ẩm, thậm chí một số chiếc còn xuất hiện những vết mốc đen lấm tấm hoặc mốc trắng loang lổ, đặc biệt với các chất liệu tự nhiên như cotton, len, da.

Những vết mốc này không chỉ mất thẩm mỹ, giảm chất lượng sản phẩm mà còn là nguy cơ gây các bệnh về da cho người mặc, nhất là làn da mẫn cảm của trẻ nhỏ.

Đồ lót ẩm mốc còn gây nguy cơ bị các bệnh ở vùng kín và có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Để xử lý những vết mốc này, bạn có thể sử dụng dung dịch nước cốt chanh pha muối hoặc hỗn hợp giấm-nước với tỷ lệ 2:1 rồi chà lên vết mốc, sau đó giặt lại bình thường với nước giặt.

Bạn cũng có thể tẩy vết mốc trên quần áo bằng thuốc tẩy Javen pha theo tỷ lệ hướng dẫn, tuy nhiên chỉ nên áp dụng với đồ trắng bởi Javen có thể tẩy cả màu.

 Quần áo bị nấm mốc là nguy cơ gây các bệnh về da. (Ảnh: iStock)

Quần áo bị nấm mốc là nguy cơ gây các bệnh về da. (Ảnh: iStock)

Để ngăn ngừa nấm mốc trên quần áo, bạn không nên để quần áo bẩn quá lâu rồi mới giặt, phơi quần áo nơi khô thoáng, nhiều ánh nắng để quần áo nhanh khô.

Khi trời mưa nhiều ngày, không khí xung quanh có độ ẩm cao, thì một chiếc máy hút ẩm có thể giải quyết được vấn đề phơi quần áo trong ngày thiếu nắng, hạn chế tình trạng quần áo bị mốc sinh ra mùi hôi.

Đối với máy giặt, bạn cũng cần vệ sinh khay chứa chất tẩy rửa, lau những khe cửa và làm sạch lồng giặt thường xuyên 1 lần/tuần để quần áo giặt sạch và thơm tho hơn.

Với trang phục chất liệu da, khi treo trong tủ, bạn nên phủ một chiếc áo vải cotton bên ngoài nhằm ngăn hơi ẩm ngấm vào, sẽ hạn chế nấm mốc khá hiệu quả.

Nấm mốc trên thảm, nệm trải giường

Rất dễ phát hiện ra nấm mốc bởi chúng luôn tỏa ra mùi hôi đặc trưng. Khi phát hiện nấm mốc trên thảm trải sàn, cách tốt nhất bạn nên đem thảm đi xử lý và để sàn nhà thông thoáng.

Với nệm giường, trong trường hợp chỗ nấm mốc không quá lớn, đầu tiên bạn cần hút bụi tất cả các mặt nệm, tiếp đó sử dụng cồn hoặc hydrogen peroxide với một miếng giẻ để làm sạch vết mốc (lưu ý luôn đeo khẩu trang và găng tay khi xử lý nấm mốc).

 Đảm bảo các mặt nệm đều thông thoáng để ngăn ngừa nấm mốc. (Ảnh: iStock)

Đảm bảo các mặt nệm đều thông thoáng để ngăn ngừa nấm mốc. (Ảnh: iStock)

Sau khi chà xát thật kỹ các vết mốc để tiêu diệt các bào tử nấm, hãy phơi nệm khô ráo hoàn toàn dưới ánh nắng Mặt trời hoặc máy sấy hơi nóng. Tiếp đó, xịt chất khử trùng bên ngoài vải bọc nệm.

Nếu các triệu chứng hoặc các dấu hiệu khác của nấm mốc vẫn còn sau khi bạn đã cố gắng loại bỏ, hãy cân nhắc thay thế nệm.

Để bảo vệ nệm giường không bị nấm mốc, cần phải đảm bảo không khí lưu thông tốt trên cả hai mặt của nệm. Do đó, bạn có thể sử dụng dát giường thanh để cải thiện hệ thống thông gió xung quanh nệm.

Nói chung, để chống nấm mốc trong nhà, giải pháp tốt nhất vẫn là phòng ngừa. Bạn hãy cố gắng giữ mọi thứ khô ráo, sử dụng hệ thống thông gió tốt và nếu có điều kiện, nên lắp đặt các thiết bị hút ẩm./.

(Vietnam+)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *