Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông Hải Dương không quản vất vả, đêm hôm xuống đường xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, góp phần giữ gìn an ninh trật tự.
Đội Cảnh sát giao thông, trật tự (Công an TP Hải Dương) xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Theo chân cảnh sát giao thông đi xử lý vi phạm
Thành phố lên đèn cũng là lúc chúng tôi theo các anh ở Đội Cảnh sát giao thông, trật tự (Công an TP Hải Dương) xuống đường làm nhiệm vụ. Mục tiêu của tổ công tác hôm nay đó là tìm những người vi phạm trong dòng người đông đúc.
Khoảng 19 giờ 30, các khâu chuẩn bị của tổ công tác đã cơ bản hoàn thành. Một đoạn đường Trần Hưng Đạo hướng cầu Phú Lương đi ngã ba Tam Giang được Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an TP Hải Dương lựa chọn là địa điểm lập chốt. Ngoài chốt chính, một số chiến sĩ công an được bố trí ở những địa điểm phù hợp nhằm bảo đảm không trường hợp nào có thể quay xe bỏ chạy. Trên vỉa hè, 4 cán bộ ở khu vực xử lý vi phạm cũng đã sẵn sàng đưa các những người vi phạm đối diện với những khung hình phạt thích đáng.
Trời dần về khuya cũng là lúc các “thần cồn” rời bàn nhậu để trở về nhà. Với tinh thần không bỏ lọt vi phạm, các cán bộ, chiến sĩ phải căng mình làm việc. Ai cũng tập trung quan sát và thực hiện nhanh những phần việc của mình nhằm phát hiện sớm vi phạm và giảm ùn tắc giao thông.
Kiểm tra một trường hợp, bất chợt máy đo nồng độ cồn của đồng chí Phạm Đình Đức vang lên liên hồi báo hiệu đã phát hiện một người vi phạm với nồng độ 0,55 mg/lít khí thở. Trước khi được dẫn về chốt, trường hợp này đã có ý định quay xe bỏ chạy nhưng nhanh chóng bị lực lượng chức năng phát hiện. Khi bị yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, trên xe máy của anh này vẫn còn chở can rượu 20 lít.
Sau 30 phút, hàng chục chủ phương tiện được lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn. Có người chấp hành ngay, nhưng cũng có người tìm cách quay đầu như trường hợp nói trên. Khi thấy chốt kiểm tra, ông T.V.T. ở xã Bạch Đằng (Kinh Môn) xuống xe chậm rãi đẩy chiếc xe máy Honda về chốt. Sau khi kiểm tra, nồng độ cồn trong hơi thở của ông T. ở mức rất cao là 0,81 mg/lít, gấp đôi mức kịch khung (0,4 mg/lít khí thở). Đối diện với mức phạt nặng, ông T. không thanh minh mà chỉ lặng lẽ ký vào phiếu đo nồng độ cồn rồi tìm một góc vắng để gọi điện cho người thân đến đón. Xung quanh mọi người bắt đầu bàn tán về mức phạt mà ông T. sẽ phải đối diện đó là 7 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng.
Ông T.V.T. ở xã Bạch Đằng (Kinh Môn) có nồng độ cồn 0,81 mg/lít khí thở, cao gấp đôi mức kịch khung
Chiến dịch vây bắt “thần cồn” diễn ra ở khắp các địa phương.
Đêm 8/3, chúng tôi tiếp tục có mặt tại chốt kiểm tra nồng độ cồn trên đường ĐH 01, xã Đồng Tâm (Ninh Giang). Theo phán đoán của Trung tá Vũ Hải Luật, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự (Công an huyện Ninh Giang), chắc chắn hôm nay các trường hợp vi phạm sẽ xuất hiện nhiều hơn vì ĐH 01 là tuyến đường huyết mạch dẫn vào trung tâm thị trấn – nơi tập trung các tụ điểm vui chơi, ăn uống, giải trí. Tuy nhiên anh cũng không quên nhắc anh em trong đội phải chú ý cảnh giác bởi một số trường hợp sẵn sàng liều mình “thông” chốt.
Đến 20 giờ, lực lượng chức năng ra hiệu dừng xe ô tô 34A – 396.xx. Lái xe là anh Nguyễn X.T. ở xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang). Điều khiến chúng tôi khá bất ngờ đó là anh T. là bác sĩ của một phòng khám lớn trong huyện nhưng vẫn vi phạm nồng độ cồn (0,215 mg/lít khí thở). Chắc hẳn, bản thân anh T. hiểu rõ hơn ai hết về những nguy hiểm khi lái xe sau khi đã uống rượu, bia. “Tôi có uống một chút rượu vang ở nhà trước khi lái xe đi mua hoa tặng vợ. Vì quãng đường di chuyển ngắn nên tôi đã chủ quan dẫn đến vi phạm”, anh T. lý giải.
Tất cả các trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị lực lượng cảnh sát giao thông xử lý đều không lường trước được những nguy hiểm đang chờ phía trước. Để rồi khi đối diện với pháp luật, họ lại trốn tránh và đưa ra nhiều lý do để biện minh cho hành động sai trái của mình. Vi phạm hành chính có thể khắc phục nhưng khi xảy ra tai nạn giao thông thì hậu quả thật khó lường.
Nguy hiểm nhãn tiền
Để đổi lấy những ngày bình yên cho nhân dân, các chiến sĩ cảnh sát giao thông đã phải đối diện với biết bao nguy hiểm. Có đồng chí sẵn sàng đổ cả máu khi đang làm nhiệm vụ trên đường. Trung tá Đặng Xuân Hoàn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (Công an TP Hải Dương) là một người như vậy.
Đêm 7/10/2023, tổ công tác 151 (Công an TP Hải Dương) thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông. Tại đường Trường Chinh, tổ công tác phát hiện một thanh niên lái xe máy không đội mũ bảo hiểm, chạy với tốc độ cao nên ra hiệu dừng xe để kiểm tra. Phớt lờ yêu cầu của lực lượng chức năng, thanh niên này đánh lái bỏ chạy và đâm thẳng vào Trung tá Đặng Xuân Hoàn. Cú va chạm mạnh khiến anh Hoàn ngã văng xuống đường dẫn đến chấn thương nặng ở vùng mặt. Đối tượng đâm vào anh Hoàn là Nguyễn Đức H. (sinh năm 2005) trú tại phường Nam Đồng (TP Hải Dương). Khi gây án, H. vi phạm nồng độ cồn 0,375 mg/lít khí thở.
Gần đây nhất là trường hợp Vũ Đức B. (sinh năm 1971) ở xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) dùng mũ bảo hiểm đánh trúng mặt một cán bộ cảnh sát giao thông huyện Tứ Kỳ khi đang làm nhiệm vụ. Hay đồng chí Đỗ Khánh Toàn, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 2 thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) bị một đối tượng lao xe thẳng vào người dẫn đến thương tích nặng. Đây chỉ là 3 trong rất nhiều vụ lực lượng cảnh sát giao thông trong tỉnh bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ. Có thể thấy, khi “ma men” làm chủ phương tiện nguy hiểm đến nhường nào. Họ như mất hết lý trí, cư xử như côn đồ và không lường trước được hậu quả.
Lực lượng cảnh sát giao thông huyện Ninh Giang kiểm tra nồng độ cồn trên đường ĐH 01
Theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Đức, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự (Công an TP Hải Dương) việc xử lý vi phạm trên đường luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do mức xử phạt nặng nên các trường hợp vi phạm nồng độ cồn sẵn sàng “thông” chốt, thậm chí lao xe thẳng vào lực lượng chức năng. Nhiều trường hợp khi bị xử lý không những không chấp hành mà còn lăng mạ, xúc phạm cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. “Ngoài ra, cũng có người ỷ vào quan hệ rộng liên tục gọi điện nhờ vả nhằm gây áp lực cho tổ công tác. Tuy nhiên, chúng tôi luôn kiên định với mục tiêu không ngoại lệ, không vùng cấm đối với các trường hợp vi phạm”, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Đức cho biết.
Ra về khi ca trực vừa kết thúc, Đại úy Vũ Tuấn Anh cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, trật tự (Công an TP Hải Dương) tươi cười nói: “Mọi người ở lại, tôi xin phép về trước nhé”. Sự háo hức của đồng chí Tuấn Anh khi được trở về nhà cũng là nỗi niềm chung của các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông. Đại úy Tuấn Anh cho biết do công việc bận rộn nên mỗi ngày anh về đến nhà cũng đã đêm muộn. Có hôm vừa bước vào cửa, anh đã vội vã rời đi ngay vì đơn vị thông báo có sự vụ đột xuất. Mọi việc trong gia đình, một mình vợ anh đứng ra vun vén, cáng đáng. Chính nhờ có hậu phương vững chắc đã tiếp thêm sức mạnh và là động lực giúp anh vượt qua mọi cám dỗ và hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Từ năm 2023 tới nay, chiến dịch truy bắt người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông được lực lượng cảnh sát giao thông ở Hải Dương cũng như trong cả nước đẩy mạnh. Trong dịp Tết vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn duy trì tối đa quân số triển khai tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khép kín 24/24 giờ, với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, xuyên đêm, xuyên Tết”. Nhờ những cống hiến thầm lặng của lực lượng cảnh sát giao thông nên tình hình vi phạm an toàn giao thông trên địa bàn Hải Dương đã có những chuyển biến tích cực. Việc xử lý mạnh tay các “ma men” trong thời gian qua cũng đã góp phần quan trọng trong gìn giữ an ninh trật tự địa phương.
2 tháng đầu năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã xử lý 2.120 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt hơn 10,8 tỷ đồng, trong đó trên 2.000 phương tiện bị tạm giữ, 2.120 trường hợp bị tước giấy phép lái xe có thời hạn.
ĐỖ NGA
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/xuyen-dem-xu-ly-than-con-375229.html