Cục Thuế Hải Dương quản lý chặt cá nhân kinh doanh thương mại điện tử

Phân nhóm đối tượng theo yêu cầu quản lý

Đánh giá về công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, ông Nguyễn Trọng Tiến – Phó Cục trưởng Cục Thuế Hải Dương cho biết, qua công tác tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương, một số cá nhân kinh doanh TMĐT đã hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình nên khi được cơ quan thuế mời lên làm việc và yêu cầu kê khai thì đều hợp tác và trung thực kê khai, nộp thuế đúng hạn.

Cục Thuế Hải Dương quản lý chặt cá nhân kinh doanh thương mại điện tử

Công chức Cục Thuế Hải Dương tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Ảnh: CTV.

Tuy số lượng những cá nhân tự giác kê khai và nộp thuế chưa nhiều, nhưng cơ quan thuế cũng ghi nhận sự chấp hành chính sách pháp luật thuế của những cá nhân này.

Theo ông Nguyễn Trọng Tiến, số liệu thu thuế về hoạt động TMĐT Tổng cục Thuế gửi năm 2022 là 738 gian hàng có doanh thu năm trên 100 triệu đồng, tổng doanh thu là 380,4 tỷ đồng.

Tổng số thuế đã thu là 16,5 tỷ đồng (số thu của 2 năm 2022, 2023 và 4 tháng đầu năm 2024). Cụ thể: Năm 2022 tổng số thuế đã thu là 5,8 tỷ đồng; năm 2023 tổng số thuế đã thu 2,1 tỷ đồng; 4 tháng đầu năm 2024 tổng số thuế đã thu là 8,6 tỷ đồng, trong đó: dịch vụ, sản phẩm số 2 tỷ đồng; bán hàng trên sàn TMĐT 6,6 tỷ đồng.

Qua thời gian triển khai, đến nay số thu về hoạt động kinh doanh TMĐT tuy chưa cao nhưng cũng đã có rất nhiều cá nhân, hộ kinh doanh nắm bắt được chính sách của Nhà nước nên đã tự giác kê khai và nộp thuế.

Tuy nhiên, vẫn còn số ít các cá nhân chưa hợp tác với cơ quan thuế. Vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng phối hợp với cơ quan thuế trong việc quản lý về hoạt động TMĐT nói chung và quản lý thuế nói riêng.

Theo lãnh đạo Cục Thuế Hải Dương, đến nay, tại các chi cục thuế đã tiến hành rà soát, phân nhóm đối tượng theo yêu cầu quản lý để đưa vào danh sách rà soát. Các biện pháp thực hiện như: liên hệ bằng điện thoại, gửi thông báo làm việc đến cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT trên địa bàn; hướng dẫn các đối tượng rà soát thực hiện các thủ tục đăng ký thuế, tự khai, tự nộp thuế theo quy định pháp luật, cũng như tiến hành rà soát, đối chiếu với tình hình quản lý thuế thực tế tại địa bàn để xác định các trường hợp có khả năng chưa kê khai hoặc kê khai chưa đầy đủ doanh thu kinh doanh.

Đặc biệt, trường hợp thông tin khai thác trên cơ sở dữ liệu có chênh lệch so với số tự kê khai của người nộp thuế (NNT), cơ quan thuế yêu cầu NNT giải trình bằng các hóa đơn, chứng từ, tài liệu hợp pháp hoặc báo cáo thu nhập có thể tự in trực tiếp từ hệ thống của sàn TMĐT và NNT cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác.

Vẫn còn khó khăn trong quản lý thuế thương mại điện tử

Ông Tiến cho hay, về thuận lợi, qua các kênh thông tin và công tác tuyên truyền của cục thuế đã có không ít cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT chủ động đến cơ quan thuế khai và nộp thuế từ khi bắt đầu kinh doanh.

Trong đó, một số cá nhân khi được cơ quan thuế mời lên làm việc và yêu cầu kê khai thì đều hợp tác và trung thực kê khai, nộp thuế đúng hạn. Tuy số lượng chưa nhiều nhưng cũng cần ghi nhận sự chấp hành chính sách pháp luật thuế của những cá nhân này.

Công chức Cục Thuế Hải Dương quản lý chặt cá nhân có kinh doanh thương mại điện tử.

Công chức Cục Thuế Hải Dương quản lý chặt cá nhân có kinh doanh thương mại điện tử.

Bên cạnh những thuận lợi, ông Tiến cho rằng, vẫn còn những khó khăn trong quản lý như: TMĐT là loại hình kinh doanh có tính chất đặc thù như quy mô hoạt động rộng trên môi trường Internet có tính phi biên giới, dễ dàng thay đổi, che giấu hoặc xóa dữ liệu giao dịch.

Thực tế bán hàng trên mạng xã hội hiện nay khá lớn, nhưng dữ liệu về thông tin của tổ chức, cá nhân không rõ ràng, chỉ sử dụng các trang mạng hoặc mạng xã hội làm nơi quảng cáo, do vậy công tác quản lý thông tin NNT cũng rất khó. Đơn cử như nhiều doanh nghiệp sử dụng website để quảng bá sản phẩm, hàng hóa kết hợp với bán hàng trực tuyến cho người tiêu dùng là cá nhân, nhưng không xuất hóa đơn bán hàng, không kê khai doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp.

Hiện tại, một khó khăn nữa là hiện nay phát sinh nhiều đối tượng hoạt động kinh doanh TMĐT với các giao dịch diễn ra nhiều nhưng mang tính nhỏ lẻ, không xác định được địa điểm kinh doanh. Hầu hết các cá nhân bán hàng qua mạng đều không có số điện thoại, địa chỉ rõ ràng nên gây khó khăn cho công chức thuế trong việc gửi văn bản và liên hệ mời lên làm việc.

Nhiều doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh bán hàng thu tiền mặt hay sử dụng dịch vụ giao hàng thu tiền hộ, chỉ sử dụng website, trang mạng xã hội để thực hiện quảng cáo sản phẩm nhưng việc bán hàng lại thông qua điện thoại, tin nhắn, tìm mọi cách “né” thuế, khi không đăng ký kinh doanh; không kê khai doanh thu; không công khai, hoặc công khai không chính xác tài khoản giao dịch… khiến cơ quan thuế rất khó nắm bắt, theo dõi quản lý và xác định đối tượng.

Thanh toán bằng tiền mặt khó khăn trong kê khai, xác định doanh thu

Lãnh đạo Cục Thuế Hải Dương cho biết, giao dịch TMĐT, kinh doanh trên mạng xã hội có đặc điểm ảo, dựa trên nền tảng công nghệ, khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, dễ dàng xóa bỏ, thay đổi nên tạo sự khó khăn trong việc nắm bắt các giao dịch. Việc thực hiện thanh toán hiện nay vẫn còn dùng phương thức thanh toán bằng tiền mặt nên cũng gây khó khăn trong công tác quản lý kê khai, xác định doanh thu của các đối tượng kinh doanh TMĐT.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cuc-thue-hai-duong-quan-ly-chat-ca-nhan-kinh-doanh-thuong-mai-dien-tu-151394.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *